Đây là một trong những thực tế được TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhấn mạnh khi đề cập đến phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Chuyển đổi xanh đã không còn là tự nguyện hay là hoạt động từ thiện, trồng cây… mà đã được luật hoá trở thành những quy định khắt khe bắt buộc tuân thủ. Chỉ còn hơn 1 năm nữa, từ năm 2026, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu đều phải áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Trong đó, quan trọng nhất là báo cáo về phát thải khí nhà kính. Báo cáo này phải được công ty của châu Âu có trách nhiệm thẩm định.

Vì sao mới có hơn 100 doanh nghiệp kiểm kê phát thải khí nhà kính?

TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh

Chỉ số trong các báo cáo sẽ quyết định việc cơ quan có trách nhiệm của châu Âu có chấp nhận hàng của Việt Nam hay không. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu vào châu Âu mà các chuẩn mực về phát thải khí nhà kính của Việt Nam cao hơn sẽ bị đánh thuế carbon.

Trong giai đoạn đầu tiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mức thuế có thể khá nhẹ nhàng và được áp dụng vào từng phần. Về lâu dài, việc áp thuế CBAM sẽ áp dụng với mức độ khắt khe hơn và vô hình dung sẽ tạo ra những rào cản cho hàng hóa xuất khẩu nếu phát thải cao.

“Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy lo ngại hơn đó là một số doanh nghiệp chưa thực hành báo cáo. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thể mở được cánh cửa đầu tiên để đặt chân vào thị trường xuất khẩu châu Âu” – TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Vị chuyên gia cho biết đã trực tiếp thực hiện khảo sát năng lực doanh nghiệp. Qua 2 năm từ khi Nghị định 06/2022/NĐ-CP được ban hành, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện mới trên 100 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính nhưng chưa được kiểm toán.

Hiện, kiểm kê khí nhà kính để đo lường tổng lượng phát thải tại doanh nghiệp được thực hiện theo 3 phạm vi. Trong đó, phạm vi 1 là đo khí phát thải trực tiếp; phạm vi 2 là đo khí phát thải gián tiếp từ nguồn năng lượng mua; phạm vi 3 là đo phát thải gián tiếp từ các hoạt động khác trong kinh doanh và sản xuất. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cái khó là việc kiểm kê khí nhà kính ở phạm vi 2-3 do doanh nghiệp hiện nay phải nhập nguyên liệu cho sản xuất khá lớn, không có đầy đủ dữ liệu để báo cáo.

Trong khi đó, những khó khăn hiện nay khiến không ít doanh nghiệp phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền hơn là nghĩ đến chuyện kiểm kê phát thải khí nhà kính hay chuyển đổi xanh. Chưa kể, những quy định liên quan đến môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được một số thị trường ban hành và áp dụng ngày càng chặt chẽ, thậm chí cả những người làm trong ngành còn rất khó khăn tiếp cận các thuật ngữ, khái niệm chuyên môn. Thực tế này càng khiến cho doanh nghiệp vất vả và lúng túng trong việc tuân thủ các quy định.

Vì sao mới có hơn 100 doanh nghiệp kiểm kê phát thải khí nhà kính?

Doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng con đường và trụ cột chuyển đổi xanh để tư duy và hành động đều phải xoay quanh các trụ cột này

Đề cập thực trạng cùng những khó khăn, vướng mắc trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng con đường của mình. Trên con đường chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, các doanh nghiệp cần phải xác định các trụ cột chính để tất cả mọi tư duy và hành động đều phải xoay quanh các trụ cột này.

Chuyển đổi sang kinh tế xanh, theo các chuyên gia dựa trên 4 trụ cột chính là chuyển đổi năng lượng, tăng cường sử dụng điện gió, điện mặt trời thay cho các năng lượng không tái tạo như than, khí tự nhiên; sử dụng nguyên liệu trong chuỗi kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ tài nguyên rừng và nguồn nước; sống bền vững.

“Kiểm kê phát thải khí nhà kính không còn là chuyện xa vời mà là vấn đề quan trọng và “đến nơi rồi” nên các doanh nghiệp không thể chủ quan. Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, Chính phủ nên cân nhắc thực hiện ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh góp phần vào mục tiêu Netzero” – TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.