Hơn 2/3 chặng đường đầu tiên của EURO 2024 chứng kiến sự thay đổi rất lớn của nhiều đại gia tại châu Âu. Họ đang hướng đến phiên bản khác hẳn những gì mà người ta quen thuộc về họ trước đây.
Sự thực dụng có lẽ là một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của bóng đá Đức. Có thời, đội tuyển Đức thực dụng đến mức họ được mệnh danh là “cỗ xe tăng”. Lối chơi của đội tuyển Đức thời điểm nhiều năm trước thoạt nhìn không có gì nổi bật, nhưng họ lại thường xuyên nghiền nát bất cứ chướng ngại vật nào trước mặt. Tuy nhiên, lần gần nhất người Đức vô địch EURO từ tận năm 1996, cách nay đã 28 năm, gần 3 thập kỷ. Có vẻ như bóng đá châu Âu càng về sau này càng khiến cho đội tuyển Đức lạc hậu, nhất là về mặt tốc độ và kỹ thuật.
Đứng trước sự chuyển mình của bóng đá ở lục địa già, bóng đá Đức cũng phải thay đổi. Từ World Cup 2006, Đức đã chơi giàu sinh khí hơn hẳn. Đến EURO 2024, đội tuyển Đức giờ đá thiên về kỹ thuật thấy rõ.
Thế mạnh về thể lực và thể hình vẫn còn tồn tại nơi đội bóng từng 4 lần vô địch thế giới và 3 lần vô địch châu Âu, nhưng đội tuyển Đức giờ đây có thêm yếu tố kỹ thuật rất đáng nể. Đội tuyển Đức giờ tổ chức tấn công từ vị trí… thủ môn, thay những đường chuyền dài thường thấy trước đây thành những đường chuyền ngắn từ phần sân nhà. Đức cũng là đội sở hữu hàng tiền vệ giàu kỹ thuật bậc nhất EURO 2024, phần nào sánh ngang với Tây Ban Nha. Các tiền vệ tấn công Musiala và Florian Wirtz cực giỏi đi bóng qua người. Ngay đến các tiền vệ trung tâm của đội chủ nhà gồm Toni Kroos và Ilkay Gundogan cũng là những bậc thầy về kỹ thuật.
Nhờ dàn tiền vệ tài hoa này, Đức cũng là đội hiếm hoi tại EURO 2024, về lý thuyết, có thể đối chọi với Tây Ban Nha ở khả năng kiểm soát bóng (đội kia là “Brazil châu Âu” Bồ Đào Nha).
Thành ra, nếu người Đức bước lên đỉnh cao của giải vô địch châu Âu năm nay, người ta sẽ thấy đây là ngôi vô địch khác biệt hẳn so với 3 ngôi vô địch châu Âu mà người Đức từng có trước đó, vào các năm 1972, 1980 và 1996.
Ở góc độ nào đó, Ý cũng là đội muốn thay đổi từ sự thực dụng sang sự uyển chuyển giống như đội tuyển Đức. Nhưng người Ý chỉ làm điều này nửa vời, chỉ xuất hiện trong hiệp 1 trận gặp Albania và hiệp 2 các trận gặp Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, thời điểm đội Ý đã bị dẫn trước. Ngoài ra, chất lượng nhân sự của Ý quá kém, thiếu người kiểm soát bóng ở tuyến giữa, nên điều này khiến cho đội tuyển Ý mất luôn phương hướng (HLV Spalletti của đội Ý thay đổi công thức đội hình xoành xoạch cũng vì ý tưởng cách tân nửa vời này), trước cuộc “cách mạng” của họ đứt gánh giữa đường.
Anh và Hà Lan: Bỏ đá đẹp, bổ sung thêm sự thực dụng
Trái ngược với hình ảnh của đội tuyển Đức, 2 đội từng nổi tiếng đá đẹp trước đây gồm Anh và Hà Lan lại đang bổ sung thêm cho mình tính thực dụng. Trước trận đấu thuộc vòng 16 đội gặp Romania đêm qua (2.7), HLV Ronald Koeman của Hà Lan nói thẳng: “Chúng tôi có thể đá đẹp hơn, nhưng thường thì điều đó không mang lại hiệu quả cho đội tuyển Hà Lan”.
Ông Koeman là thành viên của đội tuyển được mệnh danh “cơn lốc màu da cam” vô địch EURO 1988, khi ông này còn là cầu thủ. Có nghĩa là vị HLV đương nhiệm của đội tuyển Hà Lan là sản phẩm của lối chơi tổng lực đúng nghĩa mà bóng đá Hà Lan từng sản sinh và tự hào. Tuy nhiên, cũng chính ông Koeman nhận ra rằng lối chơi đấy giờ không còn hợp với thời thế. Ông Koeman có lẽ rõ hơn ai hết vì sao đã 36 năm trôi qua, từ tận năm 1988 đến giờ, Hà Lan chưa hề trở lại với các danh hiệu lớn, chưa hề trở lại với ngôi vô địch EURO.
Người Hà Lan cần thực dụng hơn, biết tính toán nhiều hơn, thay vì trận nào cũng chực chờ lao lên phía trước rồi thường xuyên nhận những pha phản đòn của đối thủ, những trận thua đau đớn.
Hà Lan của HLV Ronald Koeman tại EURO 2024 tính bước nào chắc bước đó, họ từ tốn chọn đối thủ ở nhánh đấu knock-out ngay từ vòng bảng. Nhiều người chỉ trích Hà Lan khi đội này thua đội tuyển Áo 2-3 ở loạt trận cuối vòng bảng. Nhưng kết cục thì cả châu Âu và thế giới thấy rồi: Áo bị loại ngay vòng knock-out đầu tiên trước Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Hà Lan đè bẹp Romania. Kết quả quan trọng hơn sự đẹp mắt. Ông Koeman vừa chứng minh kết quả ở lượt trận cuối vòng bảng đấy chẳng có ý nghĩa với cả 2 đội Áo và Hà Lan, trong bối cảnh Hà Lan trước đó đã sớm có vé đi tiếp.
Tương tự như thế là trường hợp của đội tuyển Anh. Sự đẹp mắt suốt nhiều năm qua, trước triều đại của HLV Gareth Southgate khiến đội tuyển Anh thất bại nhiều rồi. Giờ họ mỗi lúc một thực dụng.
Tại EURO 2024, đội bóng đến từ quê hương bóng đá càng thực dụng hơn. Giống đội tuyển Hà Lan, sau khi có vé vào vòng knock-out, Anh tha hồ lựa chọn đối thủ ở vòng đấu loại trực tiếp, bất chấp những chỉ trích.
Đội tuyển Anh của HLV Gareth Southgate tiếp tục bị chỉ trích sau trận thắng nhọc nhằn 2-1 trước Slovakia tại vòng 16 đội. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng nhất vẫn là Anh chưa bị loại. Đặt trường hợp đội tuyển Anh vô địch EURO 2024 (mà khả năng này cho đến giờ vẫn khá cao), những người đã và đang chỉ trích ông Southgate có muốn quay lại xin lỗi vị HLV này còn không kịp.
Còn ngược lại, nếu đội tuyển Anh đá đẹp, đá cống hiến như cách tính cách hiệp sĩ của người Anh, nhưng vẫn bị loại như chính họ từng bị loại triền miên ở các kỳ giải lớn nhiều năm qua, HLV Southgate vẫn bị sa thải như thường. Thế nên, ông Southgate không việc gì phải thay đổi sự thực dụng của đội tuyển Anh hiện nay!
Nguồn: thanhnien.vn