Nước đổi màu nâu đỏ, cá chết la liệt bốc mùi hôi thối, đó là những gì đang diễn ra ở khe Sào chảy qua địa bàn xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cho rằng nguyên nhân ô nhiễm là do trang trại chăn nuôi lợn từ phía tỉnh Thanh Hóa, hàng chục người dân đã tập trung gây áp lực để cơ quan chức năng xử lý.
Chiều 4.7 và sáng 5.7, hàng chục người dân thôn 13 Lâm Sinh (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã tập trung về khu vực khe Sào thuộc địa phận thôn 13 Lâm Sinh và khu vực trước cửa Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành (thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa làm rõ việc nước khe Sào đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sáng 5.7, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã có mặt tại hiện trường kiểm tra theo phản ánh của người dân.
Theo quan sát của PV, khe Sào chảy từ địa bàn xã Bãi Trành qua khu vực Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt ( đóng tại thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa), sau đó xuôi xuống địa phận xã Nghĩa Yên và một số xã khác của H.Nghĩa Đàn trước khi đổ ra sông Hiếu.
Đoạn khe từ khu vực Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành đến xã Nghĩa Yên nước có màu nâu đỏ bất thường, bốc mùi hôi thối, dọc khe nhiều loài cá tự nhiên chết trắng. Người dân nghi ngờ nguồn nước khe Sào đang bị ô nhiễm nặng do trang trại lợn xả thải.
Bà Thái Thị Minh (37 tuổi, ngụ thôn Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên), cho biết bao đời qua nước khe Sào luôn trong xanh, chảy quanh năm, là nguồn nước cho nhiều hộ dân lấy sinh hoạt và tưới cây. Tuy nhiên, thời gian qua, suối Sào bị ô nhiễm, các loài thủy sản liên tục chết, nước bốc mùi hôi thối.
“Từ khi trang trại lợn phía thượng nguồn đi vào hoạt động là khe Sào bị ô nhiễm, cá chết, hôi thối diễn ra liên tục. Màu nước thì đỏ đục hôi thối lắm. Dân chúng tôi nhiều lần đề nghị với chính quyền rồi nhưng đến nay tình trạng nước khe ô nhiễm vẫn diễn ra”, bà Minh cho hay.
Còn ông Nguyễn Anh Dũng (44 tuổi, ngụ thôn 13 Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên) thì cho hay: “Từ năm 2023, chúng tôi đã phát hiện khe Sào bị ô nhiễm, không thể sử dụng nước cho sinh hoạt và tưới cây được nữa. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền các địa phương liên quan vào cuộc xử lý, nhưng rồi cũng chẳng thay đổi gì, nước vẫn ô nhiễm, cá vẫn chết, mùi thì hôi thối. Vì thế, mấy ngày gần đây chúng tôi kéo nhau đến khu vực trước cửa trại lợn để phản đối”.
Cơ quan chức năng 2 tỉnh vào cuộc kiểm tra
Ngày 5.7, Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa (thuộc Sở TN-MT Thanh Hóa) phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) và đại diện người dân thôn 13 Lâm Sinh (xã Nghĩa Yên) tiến hành kiểm tra khu vực khe Sào và Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt.
Tại khu vực khe Sào phía hạ du, cách trang trại chăn nuôi lợn khoảng 500 mét, lực lượng chức năng ghi nhận nước khe có màu nâu cánh dán, trên bề mặt nước có váng, và có hiện tượng cá tự nhiên chết.
Trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1.2021, công suất 2.400 con lợn nái; và 20.000 con lợn thịt/lứa. Trang trại rộng 19 ha, thuộc địa phận thôn 10, xã Bãi Trành. Sau khi xây dựng xong, tháng 11.2023 bắt đầu chăn nuôi và hiện đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm. Trang trại đang nuôi 12.000 con lợn.
Khi kiểm tra trong khu vực trang trại, lực lượng chức năng ghi nhận thời điểm kiểm tra, nước thải trong trang trại sau khi xử lý được thải ra hồ chứa, nhưng hồ chứa không lót bạt thành và đáy hồ, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ nước thải từ ao sinh học ra môi trường. Thời điểm kiểm tra cũng không phát hiện trang trại lắp đường ống, hoặc các đường thải khác để xả nước thải ra môi trường.
Cơ quan chức năng cũng đã lấy 4 mẫu nước, gồm 2 mẫu nước thải của trang trại chăn nuôi lợn Bãi Trành; 4 mẫu nước mặt (2 mẫu nước khe Sào phía địa phận tỉnh Nghệ An; 1 mẫu nước khe Sào, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa gọi là suối Tổng Kho, phía trên trang trại; và 1 mẫu khe từ phía trang trại thải ra suối).
Trong thời gian chờ kết quả phân tích các mẫu nước để xác định khe Sào có bị ô nhiễm hay không, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt gia cố bờ bao ao sinh học cuối cùng đang chứa nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo chống thẩm thấu, chống rò rỉ nước thải ra môi trường, thời gian khắc phục xong trước ngày 5.8. Đồng thời, lắp đặt biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải ra môi trường; lắp đồng hồ đo lưu lượng nước xả thải ra môi trường; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng TN-MT huyện Như Xuân, cho biết Trang trại chăn nuôi Bãi Trành của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt bắt đầu hoạt động chăn nuôi từ tháng 11.2023, và hiện nay vẫn đang trong thời gian nuôi thử nghiệm. “Trong thời gian qua, Sở TN-MT đã nhiều lần lấy mẫu nước để kiểm tra thì kết quả các mẫu đều bình thường, không có vấn đề gì”, ông Tuấn cho hay.
Nguồn: thanhnien.vn