Saturday, November 23, 2024

“Liều thuốc” trị nạn bò thả rông

Tại TP.Đà Nẵng, trước nạn bò thả rông gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, nhiều địa phương đã tiên phong bắt bò thả rông, phạt và buộc chủ bò trả tiền chăm sóc trong thời gian tạm giữ.

Tại P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), nhiều người dân bức xúc phản ánh dù địa phương đã thành trung tâm TP, nhưng có đến 80 con bò của 8 hộ chăn nuôi, nhiều hộ thả rông, không trông coi, để bò phá vườn khu dân cư, phóng uế giữa đường sá.

Tương tự, tại P.Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu), chủ đầu tư một dự án bất động sản than thở mỗi tháng phải chi khoảng 20 triệu đồng để dọn vệ sinh phân bò trên đường phố, thuê bảo vệ đẩy đuổi, ngăn chặn bò vào các khu dân cư phá hoa trồng, bãi cỏ.

Tại Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), P.Hòa Quý cũng là một trong số các địa phương “đau đầu” với nạn bò thả rông. Đường Minh Mạng (P.Hòa Quý) thường xuyên có khoảng 20 – 30 con bò thả rông, không người chăn dắt, gây nguy hiểm cho người qua lại. Bên cạnh đó, các khu dân cư mới tại P.Hòa Quý cũng bị bò gặm hết hoa trồng trước nhà, nằm ngủ chắn trước cửa nhà, phóng uế…

“Liều thuốc” trị nạn bò thả rông

Tạm giữ bò thả rông tại P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) để xử phạt chủ bò

NGUYỄN TÚ

Ông Nguyễn Đức Việt, Phó chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết UBND quận đã chỉ đạo UBND P.Hòa Quý chấn chỉnh, đến ngày 31.12.2024 phải dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư, hoặc di dời khỏi địa bàn phường.

CHỦ BÒ PHẢI TRẢ TIỀN TẠM GIỮ

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã quyết liệt xử lý. Tại P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu), từ giữa năm 2023, UBND phường triển khai phương án xử lý gia súc thả rông, chăn nuôi không đúng nơi quy định.

Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, cho biết đã mời các hộ nuôi bò đến đối thoại, tiếp thu các kiến nghị của hộ chăn nuôi như đã đánh dấu gia súc, bố trí khu vực nuôi thả và khu vực cấm.

Một chủ hộ nuôi bò cho hay việc đánh dấu bò bằng cách bấm số lỗ tai hay quản lý điện tử dễ truy xuất xử lý vi phạm khi bò thả rông gây hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông nhưng không ai nhận. Đồng thời, hộ chăn nuôi cũng mong muốn TP quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, khu vực dành cho hộ chăn nuôi nhỏ.

“Liều thuốc” trị nạn bò thả rông

Một vụ bò thả rông gây ra tai nạn ô tô tại P.Hòa Hiệp Nam

NGUYỄN TÚ

Bên cạnh đó, địa phương cũng thể hiện sự kiên quyết chấn chỉnh các hộ vi phạm để bò thả rông, vi phạm quy định về giao thông, trật tự đô thị, đều bị lực lượng địa phương bắt bò đưa lên nuôi nhốt tại xã Hòa Ninh (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng).

Chủ bò phải trả chi phí vận chuyển bò 1,6 triệu đồng/lượt, chi phí chuồng trại, chăm sóc 300.000 đồng/ngày. Nếu quá 30 ngày sau khi nhận được thông báo mời xử lý mà chủ bò không chấp hành, địa phương sẽ xử lý tang vật bò thả rông theo quy định.

Về lâu dài, ông Trần Văn Thể, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu), đề xuất cần sớm triển khai Nghị quyết 34/2022/NQ-HĐND của HĐND TP.Đà Nẵng về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Từ đó, sớm có cơ chế hỗ trợ cho người dân để chấm dứt, di dời đàn gia súc để chuyển đổi ngành nghề.

Căn cứ khoản 2, điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông bị phạt tiền 60.000 – 80.000 đồng đối với các hành vi: không nhường đường, không đi đúng phần đường, đi vào phần đường xe cơ giới, không chấp hành hiệu lệnh, không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố…

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi nơi công cộng, phạt 500.000 – 1 triệu đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản người khác…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img