VTV.vn – 6 tháng đầu năm ngành du lịch Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ trên 66 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ trên 66 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm. Những con số mà Cục Du lịch Quốc gia công bố cho tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều chứng minh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt. Tháng 6 Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Luỹ kế 6 tháng là hơn 8,8 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Với khách nội, có 14 triệu người Việt di du lịch trong nước trong tháng 6. Cộng dồn 6 tháng tới 66,5 triệu lượt, tăng 2,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi 6 tháng đầu năm ngoái thu được là 343.100 tỷ đồng thì 6 tháng năm nay là 436.500 tỷ đồng. Cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2019 trước dịch Covid-19 ở mức 338.200 tỷ đồng. Như vậy phục hồi cả về số lượng và chất lượng.
Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng quyết liệt, thì chuyên gia trong ngành cho rằng chính sách thị thực thông thoáng và các chương trình xúc tiến quảng bá hiệu quả là 2 thứ giúp du lịch Việt Nam lấy lại ánh hào quang. Cục Du lịch Quốc gia cập nhật số liệu đến 4 tháng đầu năm ở khu vực thì thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Chúng ta đang ở mùa thấp điểm của du lịch quốc tế. Mùa cao điểm là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hiện lượng khách quốc tế đã giảm dần từ tháng 3.
Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam
Nhiều điểm đến của Việt Nam thu hút du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh NLĐ
Hàn Quốc dẫn đầu trong nửa đầu năm với 2,2 triệu lượt. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt. Riêng hai thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Về động lực tăng trưởng, ngoài các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á, thì đáng chú ý là các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, trong đó có các thị trường chính như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023, cũng là những thị trường chi tiêu cao, mua sắm nhiều khi đi du lịch.
Du khách châu Âu chịu chi khi đến Việt Nam
“Tôi chưa có cơ hội đi mua sắm nhiều nhưng nhìn chung giá rẻ hơn nhiều so với ở Anh. Với kinh nghiệm du lịch ở các nước khác của tôi thì dù rẻ chất lượng mọi thứ rất tốt. Sau này già hơn thì Việt Nam có thể là một nơi chúng tôi sẽ ghé thăm lại lần nữa”, ông Marcus Laine, du khách người Anh cho hay.
Chị Eva Fried, du khách người Đức chia sẻ: “Chúng tôi dự định sẽ đi chợ đêm hôm nay để mua vài bộ quần áo, có thể là mua thêm vali để đựng hành lý, một vài món quà lưu niệm. Ngoài trừ chi phí khá lớn cho chuyến bay thẳng thì tôi thấy giá cả ở đây khá rẻ”.
“Tôi đã trả 300.000đ cho tour trải nghiệm và tôi hi vọng được trải nghiệm toàn bộ Hoàng Thành Thăng Long trong buổi tối hôm nay. Các bức ảnh được chụp từ tour trông rất đẹp mắt”, anh Emil Remmelgas, du khách Thụy Điển cho biết.
Các địa phương hưởng ứng chương trình “người Việt đi du lịch Việt”
Đà Nẵng, địa phương thu hút lượng khách nội địa lớn của cả nước. Ảnh Báo Đầu tư.
Du khách không ngại chi tiền, họ chỉ cần một lý do. Vậy, mùa thấp điểm, họ đến ít, nhưng giữ họ ở lại lâu hơn và có nhiều thứ để họ chịu chi hơn cũng là một giải pháp.
Ngược lại thì du lịch nội địa đang ở mùa cao điểm. Do vậy lượng khách nội địa đang tăng nhanh qua từng tháng. Số lượt khách của tháng 6 và tháng 2 cao tương đương nhau. Tháng 2 là tháng Tết, còn tháng 6 thì cao điểm du lịch hè. Từ tháng 4 thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu”. Rất nhiều địa phương đã hưởng ứng chương trình này.
“Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 – 5 sao”, đó là chương trình mà Sở Du lịch TP Hà Nội đưa ra nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến với Thủ đô. Các khách sạn 4 – 5 sao trên địa bàn sẽ áp dụng chính sách ưu đãi về giá, các gói dịch vụ trọn gói cả phòng lưu trú – nhà hàng – hội thảo hay voucher giảm giá dịch vụ. Năm 2024, Hà Nội kỳ vọng đón trên 27 triệu lượt khách, bằng cách đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
Ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết: “Trong mùa hè này thì du khách đến với Hà Nội có thể tham quan, khám phá các di tích, di sản với nhiều các cái trải nghiệm cả ban ngày và buổi tối. Đồng thời đó thì các cái hoạt động trải nghiệm, các hoạt động dịch vụ tại các hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao tại Hà Nội tiếp tục hoạt động và cung cấp nhiều trải nghiệm cho du khách”.
Đà Nẵng cũng không kém cạnh khi công bố chương trình kích cầu du lịch mùa hè, trong thời gian từ cuối tháng 6 đến ngày 30/9, với tầm giá khoảng 3 triệu đồng, khách từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có sự lựa chọn vé máy bay khứ hồi và hai đêm lưu trú tại đây. Bên cạnh đó, Thành phố sông Hàn cũng khai thác tối đa thế mạnh của mình, về sự kiện và lễ hội.
“Gần đây chúng ta có sự kiện lễ hội Đà Nẵng chẳng hạn thì nó cũng tạo được cái thương hiệu của lễ hội du lịch pháo hoa Đà Nẵng, thu hút rất nhiều du khách đến với bên mình. Tôi nghĩ rằng là đấy là cái là cách mà chúng ta có thể kích cầu được du lịch nội địa trong thời gian tới”, ông Bùi Thanh Tú – Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice cho hay.
Còn tại Phú Quốc, một điểm đến tương đối “nhạy cảm” với giá vé máy bay vào mỗi dịp cao điểm, các đơn vị lữ hành đã cùng nhau xây dựng những tour mới di chuyển bằng đường bộ và đường biển. Cùng với đó là nhiều chương trình giảm giá để cạnh tranh với các điểm đến khác.
Các tỉnh có biển đang là lợi thế thu hút khách du lịch nội địa mùa cao điểm
Ông Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Nhìn rộng ra thì chúng ta đang cạnh tranh, kể cả không phải là cạnh tranh giữa các quốc gia mà là cạnh tranh giữa các điểm đến. Ví dụ như là với khách du lịch tại Hà Nội thì họ có thể đi Đà Nẵng, họ có thể đi Phú Quốc hoặc là họ có thể sang những cái điểm đến như Phuket của Thái Lan. Thế thì rõ ràng là các điểm đến này phải cạnh tranh với nhau”.
“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là một chương trình được phát động vào năm 2020, trong bối cảnh ngành du lịch gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19. Hiện nay trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, thì đây là thời điểm thích hợp để chương trình này lại được hưởng ứng trở lại trên cả nước.
9/7 là kỷ niệm 64 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam. Phải khẳng định rằng, dù trải qua nhiều thách thức, ngành công nghiệp không khói vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Có thể kể đến như Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hay Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ – Phối hợp nhịp nhàng – Hợp tác sâu rộng – Bao trùm toàn diện – Hiệu quả bền vững”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!