Đã có những cảnh quay vườn tược, gốc đa, những nhân vật người dân nông thôn xuất hiện trở lại trong phim truyền hình sau nhiều năm vắng bóng.
Một cảnh trong Gặp em ngày nắng được khán giả xem đi xem lại là cuộc đối đầu giữa Phương và tiểu tam Diệp. Trong đó, Phương – “người con gái Sơn La” – nói thẳng vào mặt Diệp: “Sống ở trên đời lịch sự với cái loại không ra gì mới khó, chứ để sống bất lịch sự, gái quê này không ngán gì chị đâu”.
Trong suốt bộ phim, sự vất vả của một cô gái nông thôn lên thành phố lập nghiệp cũng thể hiện liên tục. Phương chịu khó, nhận bất kể công việc gì miễn là có tiền gửi về quê, cô thậm chí phải tính toán cả việc không về quê ăn tết để ở lại kiếm thêm thu nhập.
Trong khi đó, Những nẻo đường gần xa lại giới thiệu một lúc mấy nhân vật từ quê muốn lên thành phố lập nghiệp. Bảo phản đối mẹ bằng cách không làm gì, không chấp nhận bất cứ sự sắp xếp làm việc nào ở quê. Lý do của Bảo cho thấy anh coi thành phố như miền đất hứa. Trong một cảnh quay, Bảo nói: “Con không làm ở xã đâu, cán bộ kế hoạch hóa gia đình, nghe quê đành đành”…
Trước đó, Anh Đào (người vào vai Phương trong Gặp em ngày nắng) cũng là một trong “dàn gái quê” phim Lối về miền hoa. Tô Dũng tiếp tục vào vai người nông thôn trong Vui lên nào anh em ơi sau vai diễn trong Lối về miền hoa. Cả hai bộ phim đều kể chuyện người trẻ nông thôn lập nghiệp, nhiều buồn vui và quan trọng hơn, những khó khăn đặc thù của họ khi lập nghiệp đều được mô tả rõ ràng. Đó là sự thiếu thốn vật chất, là hành trình hòa nhập đời sống mới, không gian mới, là nỗi nhớ nhung quê hương, là sự đấu tranh với thói bắt nạt, kỳ thị…
Trong các thước phim tái hiện những người nông thôn đó, điều tích cực là nhân vật thường được xây dựng một cách “bình đẳng” với người ở thành phố. Họ không vì ở nông thôn mà kém đi các phẩm chất như tốt bụng, thật thà, nỗ lực, hướng thiện. Thậm chí, với sự quyết tâm của mình, các nhân vật này còn trở thành “đối trọng” với những tính cách của người thành phố.
Nếu Đào lương thiện, chăm chỉ, thẳng thắn thì Diệp dối trá, ném đá sau lưng. Nếu Hùng luôn bắt bệnh đồ điện chuẩn xác, tránh gây tốn kém cho gia chủ thì “đối thủ” của anh lại cố tình bịa bệnh để thu thêm tiền khách hàng…
Nông thôn bên thành thị
Mặc dù nông thôn đã xuất hiện trở lại, nhưng nông thôn của các phim truyền hình trong vài năm gần đây vẫn là một “nông thôn bên thành thị”. Đó là một nông thôn của những người trẻ lập nghiệp, và họ coi thành thị như điểm đến.
Với Lối về miền hoa, dù thành thị không phải là điểm đến và câu chuyện kể về một làng ven đô, nhưng ở đó các thói quen từ thành phố vẫn ít nhiều ảnh hưởng. Nó cũng đúng như nông thôn hiện tại, đang dần bị đô thị hóa.
Tuy nhiên, trong những bộ phim có kể về nông thôn, người xem vẫn được ngắm quang cảnh và cảm nhận không khí nông thôn. Ở Gặp em ngày nắng, nhân vật Phương bỏ về quê chọn náu mình trong những tán cây khi người yêu từ thành phố tìm đến. Trong Những nẻo đường gần xa, Bảo có những tranh cãi bên ruộng rau của bố mẹ, rồi bốc từng nắm đất quê bỏ vào miệng trong cơn giận dỗi. Vui lên nào anh em ơi có một cảnh quay khiến người xem thấy lòng dịu mát. Đó là khi hai cậu bạn thân tâm tình sau những khởi nghiệp thất bại, họ ngồi thừ bên gốc cây cổ thụ xòa bóng xanh mát chiếm phần lớn khung hình. Vẻ ngây ngô của các cậu trai làng khi quay clip quảng cáo xà phòng cũng khiến người xem cảm nhận được phong vị nông thôn, nhất là khi cây hài Thái Sơn hát bài hát quảng cáo theo làn điệu Cây trúc xinh.
Với những cốt truyện đều liên quan đến người trẻ khởi nghiệp, những bộ phim truyền hình nông thôn gần đây vì thế đều có hậu, vui nhiều hơn buồn, và cảm giác gợi lại “thanh xuân”. Trong hành trình tìm kiếm sự nghiệp, sự công nhận, họ trưởng thành dần và luôn có người thân sát cánh trên chặng đường đó. Chính những cái kết như vậy, câu chuyện phim nhẹ nhàng tươi trẻ như vậy đã khiến người xem hầu như đều thấy dễ chịu với những câu chuyện không bị đẩy drama quá đà.
Phim truyền hình về nông thôn, ở thời kỳ đầu của phim truyền hình VN, có rất nhiều tác phẩm có giá trị. Nhiều tác phẩm trong số đó bắt nguồn từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, nhiều người yêu thích. Một trong những đạo diễn xuất sắc của dòng phim này là NSND Nguyễn Hữu Phần, người từng nhận Cánh diều vàng cho các phim truyền hình nông thôn như Gió làng Kình, Ma làng, Đất và người. Nông thôn trong những bộ phim như thế rất có chiều sâu, có nhiều mâu thuẫn nội tại. Ở đó, những tập tục bị mổ xẻ, ứng xử làng xã bị phơi bày… Những điều như thế, phim truyền hình về nông thôn hiện nay chưa chạm được sâu.
Nguồn: thanhnien.vn