Cuộc đối đầu giữa Tây Ban Nha và Anh ở chung kết EURO 2024 sẽ rất khó đoán và kịch tính.
Anh khó thắng, nhưng cũng… khó thua
Định kiến về lối chơi nhàm chán của đội tuyển Anh chỉ thay đổi phần nào khi thầy trò HLV Gareth Southgate thắng thuyết phục 2-1 trước Hà Lan ở trận bán kết rạng sáng 11.7. Về tổng thể, “Tam Sư” đã lấn lướt Hà Lan, phối hợp có đường nét hơn, tấn công mạnh dạn hơn, thay vì đã đơn điệu và nhàm chán trong 5 trận đấu trước đó.
Điều đáng nói ở đội tuyển Anh là đến thời điểm này, HLV Southgate đã tìm được công thức tối ưu cho Anh. Bukayo Saka không còn đá tiền đạo lệch, mà lùi xuống chạy cánh phải, sử dụng nguồn năng lượng cùng kỹ thuật giúp Anh giữ chắc hành lang biên. Tài năng trẻ Koobie Mainoo với khả năng tịnh tiến và luân chuyển bóng khéo léo đá cặp cùng Declan Rice ở giữa sân.
Trên hàng công, Jude Bellingham và Phil Foden được bố trí đá ở hai bên hành lang trong (khu vực giữa cánh và trung lộ), tận dụng khả năng chạy chỗ không bóng để tạo khác biệt sau lưng trung phong Harry Kane.
Đây là sơ đồ tiệm cận hoàn hảo của Anh, khi HLV Southgate tận dụng được tối đa tiềm năng của những ngôi sao ông đang có. Dù Bellingham, Foden hay chính thủ quân Kane chưa đạt phong độ, tuy nhiên, quan trọng là Anh vận hành trơn tru và thắng trận. Ở giải đấu như EURO, màn trình diễn của cá nhân từng cầu thủ không phải vấn đề của Southgate. Nhiệm vụ của ông là thắng trận. 2 kỳ EURO gần nhất, chẳng ai làm tốt hơn Southgate.
Trên mạng xã hội, một số CĐV đã gọi Southgate là… Southgoat. Trong đó, chữ “South” lấy từ họ của HLV người Anh, còn “Goat” là viết tắt của cụm từ “Greatest of all times” – vĩ đại nhất mọi thời đại. Có lẽ hơi khiên cưỡng nếu dùng từ vĩ đại để chỉ một HLV chỉ dẫn dắt được đội cỡ Middlesbrough khi còn nắm quyền ở CLB. Song ở đội tuyển Anh, HLV Southgate đã làm rất tốt.
Ông là HLV thứ ba trong lịch sử lọt vào 2 trận chung kết EURO liên tiếp. Cũng trong 2 kỳ EURO gần nhất, Anh đã bất bại cả 13 trận, không lần nào để bị khuất phục trong thời gian thi đấu chính thức (90 phút và 120 phút). Chê Anh đá nhàm chán, nhưng thắng Anh chẳng phải chuyện đơn giản.
“Tam Sư” có thể thiếu sáng tạo, không đá mượt mà, nhuần nhuyễn như Tây Ban Nha, song lại có khối đội hình ổn định. Với rất nhiều ngôi sao trong tay, HLV Southgate có thể xây dựng Anh chơi tấn công phóng khoáng hơn. Tuy nhiên, thất bại trong quá khứ của “Tam Sư” chỉ ra rằng, muốn thắng thì trước tiên phải… không thua. Phòng ngự chắc chắn, chuyển đổi trạng thái nhanh rồi chờ đợi cá nhân tỏa sáng, đó là con đường dù không đẹp mắt, nhưng lại phù hợp với Anh lúc này.
Bài toán khó cho Tây Ban Nha
Đội tuyển Anh phòng ngự chắc chắn hơn Đức và có nhiều quân bài đột biến hơn Pháp, đều là những bại tướng của Tây Ban Nha.
Để hóa giải cự ly đội hình được vận hành chỉn chu trong phòng ngự của Anh chẳng phải chuyện đơn giản. Chưa kể, học trò HLV Southgate còn rất bản lĩnh. Những lần “chết hụt” đã rèn cho Anh sức chịu đựng rất tốt.
Hai bàn thắng vào lưới Slovakia và Hà Lan trong thời gian bù giờ cho thấy, Anh có thể chiến đấu sòng phẳng đến phút cuối cùng. Đó là nhuệ khí cần có để vô địch EURO.
Đội tuyển Tây Ban Nha có hàng công mạnh nhất giải đấu năm nay, nhờ triết lý tấn công rõ nét, các cầu thủ phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trên nền tảng kiểm soát bóng, kết hợp với những cá nhân tạo đột biến tốt như Lamine Yamal hay Nico Williams. Tuy nhiên, nếu Tây Ban Nha có ngọn lửa của tuổi trẻ, Anh lại sở hữu độ lạnh của kinh nghiệm. Sẽ là cuộc đấu đáng xem giữa “nước” và “lửa”, nơi trận chung kết có thể chỉ được định đoạt bằng một khoảnh khắc.
Mà cả Anh và Tây Ban Nha đều đủ đẳng cấp để giành được khoảnh khắc ấy.
Nguồn: thanhnien.vn