Monday, November 25, 2024

Cứu sống trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở bụi cỏ ven đường

VTV.vn – Bé gái sơ sinh được phát hiện ở bụi cỏ ven đường trong trạng thái nguy kịch, không một mảnh tã trên người, bụi đất bẩn dính đầy mặt với hàng trăm con giòi bò khắp cơ thể.

Chị Ngô Thị Thủy (trú tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Khoảng 18h30 ngày 12/7/2024, trên đoạn đường vắng gần siêu thị Go (địa phận xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang), lúc đang dừng xe thì tôi chợt nghe có tiếng trẻ sơ sinh khóc. Tôi tìm theo tiếng khóc cách chỗ tôi dừng xe khoảng 5m thì thấy bé đang nằm trên bụi cỏ, không quấn khố tã gì cả. Như có linh tính, thấy tôi lại gần con càng khóc to hơn. Soi đèn vào thấy người con lấm lem bụi đất, dây rốn chưa được cắt, đau xót nhất là có hàng trăm con giòi đang bò khắp cơ thể con”.

Khoảng 19h ngày 12/7, bé được chị Thủy đưa vào Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc GIang để cấp cứu. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu và lấy hết những con giòi trong mắt, mũi, tai, miệng và rốn của bé.

Bé nhập viện trong tình trạng kém linh hoạt, dây rốn chưa được cắt, khô teo lại. Các bác sĩ chẩn đoán bé được khoảng 2 ngày tuổi với cân nặng 2,5kg. Toàn thân bé có nhiều bụi đất bẩn, rất nhiều giòi bò ra từ mắt, mũi, tai, miệng và các nếp gấp ở vùng cổ, nách, bẹn. Trên da có nhiều chấm xuất huyết nhỏ do côn trùng đốt rải rác toàn thân.

Qua thăm khám, bé có nhịp tim đều, không nghe tiếng tim bất thường, phổi thông khí rõ, bụng mềm không chướng. Thóp trước phẳng, trương lực cơ bình thường. Kiểm tra mắt 2 bên sưng tấy, đỏ xung quanh, có nhiều giòi bên trong, nhãn cầu mắt đen bẩn, viêm mũi, tai miệng. Rất may bé không bị dị tật bất thường bên ngoài.

Bé được tắm sạch và dùng thuốc nhỏ mắt, mũi, tai, dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lý lây nhiễm, xét nghiệm đường máu mao mạch tại giường. Tới 22h30 cùng ngày, qua kết quả xét nghiệm nhận thấy bé có tình trạng rối loạn đông máu, các chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Bé được truyền 50ml huyết tương tươi nhóm B Rh+ và dùng 3 loại kháng sinh phối hợp điều trị nhiễm khuẩn cho trẻ.

Sáng ngày 13/7, bé cũng được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng – Mắt thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp cho bé. Bên cạnh đó, bé được tiêm kháng huyết thanh chống uốn ván.

Về dinh dưỡng, các bác sĩ bé ăn sữa qua ống Sonde dạ dày với lượng sữa tăng dần từng chút một, bé được ăn 2 giờ/lần với lượng sữa khoảng 30ml, rồi tăng dần lên 35ml/lần, lượng sữa tiêu tốt. Khoảng 15h ngày 13/7, bé được chuyển sang bú sữa bình với lượng sữa mỗi lần ăn là 40ml, bé tỉnh, môi hồng, tổn thương da đỡ hẳn.

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img