Bị xử phạt 2,5 triệu đồng do lỗi nồng độ cồn, nhưng ông T.Q.M cho rằng do sử dụng nước súc miệng dẫn đến có hàm lượng nồng độ cồn.
Theo diễn biến vụ kiện, 21 giờ ngày 13.3.2023, khi lái xe đến đường 3 tháng 2 (Q.10), tổ tuần tra CSGT (PC08) yêu cầu ông M. dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Tại đó, ông M. bị lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ông M. đã ký xác nhận vào biên bản. Sau đó, Công an TP.HCM ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông M. gồm: phạt tiền 2,5 triệu đồng, phạt bổ sung tước bằng lái xe A1 11 tháng và tạm giữ xe trong 1 tuần.
Tuy nhiên, sau khi chấp hành xong các quyết định xử phạt hành chính, ông M. khởi kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính về vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy và yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần 32 triệu đồng.
Phiên xét xử vắng mặt người bị khởi kiện.
Tại tòa, ông M. trình bày, từng có bệnh về răng miệng nên sau khi phiên dịch cho khách hàng nữ, ông sử dụng nước súc miệng. Lúc đó, ông không nhận thức được trong loại nước súc miệng này có hàm lượng cồn theo công bố của nhà sản xuất là 6%.
Ông M. tranh luận tại tòa, CSGT yêu cầu dừng xe ở vị trí không phải là trạm tuần tra theo quy định, thiếu ánh sáng, không có xe chuyên dụng. Đồng thời, khi bị lập biên bản, ông đã giải trình nhưng buộc ký vào biên bản. Ngay khi nhận quyết định xử phạt, mặc dù, ông chấp hành đầy đủ nhưng không đồng ý nên tiến hành khởi kiện.
Đại diện Viện KSND TP.HCM phát biểu quan điểm, do ông M. đã ký vào biên bản, đồng nghĩa việc đồng ý với quyết định xử phạt. Đồng thời, tại thời điểm lập biên bản, ông M. không giải thích được do dùng nước súc miệng mà sau này ông mới phát hiện.
Sau đó, HĐXX tuyên án, nhận định quyết định xử phạt hành chính nêu trên là đúng với quy trình, thủ tục nên bác khởi kiện hành chính của ông M.
Nguồn: thanhnien.vn