Wednesday, November 27, 2024

Bà Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài để làm gì?

Viện KSND tối cao xác định Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã chuyển trái phép ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD và từ nước ngoài vào Việt Nam hơn 3 tỉ USD.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, cơ quan tố tụng xác định bị can Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã thực hiện hàng loạt phi vụ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài và ngược lại, với số tiền thuộc diện lớn nhất từ trước tới nay.

Ngoài tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khung hình phạt cao nhất là chung thân) và tội rửa tiền (khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù), bà Lan còn bị truy tố về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù).

Bà Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài để làm gì?

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

T.N

Chuyển tiền trái phép lớn nhất từ trước tới nay

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát sinh các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Để thực hiện việc này, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Trương Mỹ Lan, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty, gồm 12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài (đều là các công ty ma thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Lời khai của bị can Trương Mỹ Lan cho thấy, khi cần chuyển tiền ra nước ngoài hoặc ngược lại, bà Lan giao cấp dưới lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa 2 nhóm công ty trên.

Với các hợp đồng khống, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Điều đáng nói, phần lớn hồ sơ (giấy tờ, thủ tục) chuyển tiền ra nước ngoài của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều không đủ điều kiện; thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng, thiếu chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng…

Kết quả điều tra xác định trong vòng 10 năm, từ 2012 – 2022, 21 trong số 23 công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật, với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ USD.

Ở chiều ngược lại, các công ty này cũng thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với tổng số tiền hơn 3 tỉ USD.

Như vậy, tổng số tiền mà bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan chuyển 1,5 tỉ USD ra nước ngoài để làm gì?

Bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm tại giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát

T.N

SCB giữ vai trò then chốt

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, “mắt xích” quan trọng để Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm có thể vận chuyển trái phép qua biên giới số lượng tiền khổng lồ như vậy, nằm ở SCB.

Dù phần lớn hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và chiều ngược lại của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không đủ điều kiện, nhưng lãnh đạo SCB vẫn ký duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống ngân hàng này, qua đó hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Trong số các bị can bị truy tố, viện kiểm sát xác định quyền Tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng, từ tháng 5.2021 đến tháng 8.2022, đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 929 triệu USD và 106 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về với tổng số tiền hơn 1,9 tỉ USD.

Các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài do bị can Trương Khánh Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền, thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng, thiếu chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng.

Cùng đó là thiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài; thiếu chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam cho giao dịch chuyển…

Tương tự, bị can Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, khai nhận từ tháng 11.2018 đến tháng 3.2020 đã ký duyệt tổng cộng 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 516 triệu USD, để thanh toán phí theo hợp đồng khống.

Một bị can khác là Bùi Anh Dũng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SCB. Từ tháng 1.2020 đến tháng 10.2020, bị can Dũng đã ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số hơn 30 triệu USD thông qua các hợp đồng khống.

Ngoài hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Viện KSND tối cao còn cáo buộc bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán. Tổng trị giá các gói trái phiếu là hơn 30.869 tỉ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Đặc biệt, để hợp thức hóa nguồn tiền phạm tội mà có, bà Lan tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỉ đồng; nguồn tiền từ hành vi tham ô tài sản của SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img