VTV.vn – Ikebana, nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản, không chỉ đơn giản là sắp xếp hoa lá mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, con người và triết lý sống.
Nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản hay còn được gọi là Ikebana đã có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước. Bắt nguồn từ một nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, Ikebana đã trở thành một nét nghệ thuật độc đáo không thể thiếu trong văn hóa của người dân xứ mặt trời mọc.
Vẻ đẹp tinh tế của Ikebana thể hiện qua sự cân bằng, bố cục và sự giản dị, mang đến cho người ngắm cảm giác thanh bình và thư thái.
Mỗi bình hoa theo trường phái Ikebana giống hệt một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc sống động. Với các chất liệu gồm hoa, cành lá và bình cắm được lựa chọn cẩn thận. Vẻ đẹp tinh tế của Ikebana thể hiện qua sự cân bằng, bố cục và sự giản dị, mang đến cho người ngắm cảm giác thanh bình và thư thái.
Trải qua nhiều thế kỷ, Ikebana vẫn tiếp tục phát triển và hình thành nhiều trường phái khác nhau. Đến nay, có 4 kiểu cắm phổ biến nhất thường được áp dụng là Rikka, Shoka, Moribana và Freestyle.
Chị Hiền cũng đạt được những giải thưởng ấn tượng như Giải Vàng Ikebana quốc tế 2020, Giải Đồng Ikebana quốc tế 2020 và Giải People choice Ikebana quốc tế 2019.
Là giáo viên dạy cắm hoa Ikebana, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết: “Trong văn hóa Nhật Bản có từ hanakotoba dùng để chỉ ngôn ngữ của hoa, có nghĩa bất kỳ một màu sắc, hình dáng, tên gọi nào của mỗi loài hoa đều phản ánh những ý nghĩa riêng. Ikebana còn gọi là kado – hoa đạo, trong tiếng Nhật có nghĩa là mang lại sự sống cho hoa”.
Mỗi bông hoa không chỉ đơn thuần là một thế giới của màu sắc và hình dáng, mà còn là những câu chuyện sâu lắng và thông điệp sâu thẳm từ tâm hồn.
Cũng theo chị Hiền, ở Nhật, đã có một thời gian dài Ikebana chỉ được truyền bá trong tầng lớp cao quý với nhiều quy tắc, quy định cầu kỳ về hoa lá, bình lọ và cả nội thất nơi trưng bày tác phẩm… Vì thế, khi biết đến Ikebana hiện đại, tức trường phái Sogetsu, chị Hiền đã ấp ủ mong ước “Việt hóa” loại hình nghệ thuật này trong lớp học của mình.
“Với Ikebana, tôi áp dụng triết lý Wabi Sabi của người Nhật, tức thấy cái đẹp trong những điều không hoàn hảo, như lũa. Không cần phải sử dụng những nguyên liệu ngoại nhập, tôi cũng có thể cắm bằng bất kể bình lọ nào và đặt bình hoa bất kỳ đâu… Đặc biệt, thay cho những bình hoa làm bằng gốm sứ, bình hoa chế tác từ lũa sẽ mang lại cảm giác an hoà mộc mạc và có độ bền vững hơn”, chị Hiền nói.
Lớp học cắm hoa Ikebana của chị Hiền được nhiều người lựa chọn.
Thông qua những buổi học, chị Hiền đã truyền cảm hứng cho học viên để họ thấy cắm hoa không chỉ là thực hành và nâng cao thẩm mỹ mỗi cá nhân mà còn hướng con người đến chủ nghĩa tối giản, có một lối sống tinh tế và an yên.
Ikebana không chỉ đơn thuần là nghệ thuật sắp đặt hoa. Nó là một cuộc hành trình của tâm hồn, một cách để chuyển tải cảm xúc và triết lý.
“Sáng tạo một tác phẩm Ikebana, người cắm hoa phải có ý tưởng muốn thể hiện điều gì đó và phải nhận diện được nét đẹp của hoa đang chuyển động theo hướng nào, bông hoa đó đẹp nhất ở hướng nào để truyền sức sống cho tác phẩm của mình, chuyển tải thông điệp muốn gửi gắm. Mỗi bình hoa là một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên, của đời sống. Có thể là ý nghĩa của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có thể biểu đạt cho hiện tại, quá khứ hay tương lai. Hay đơn giản chỉ thể hiện sự thoảng qua của làn gió thu nhè nhẹ…”, chị Hiền cho biết thêm.
Mỗi tác phẩm Ikebana được sắp đặt để truyền tải một câu chuyện riêng về nhân sinh, về thiên nhiên, hay về chính con người – tác giả của bình hoa.
Nghệ thuật Ikebana diễn đạt vẻ đẹp về sức sống tiềm ẩn của cỏ cây hoa lá trong các giai đoạn phát triển của đời sống thực vật. Qua việc thực hành cắm hoa, nghệ thuật này mang thiên nhiên tới gần hơn với đời sống thường ngày, giúp người thực hành hiểu và khám phá vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá và có cái nhìn an hòa, tĩnh tại hơn trong đời sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!