Friday, January 17, 2025

Mối nguy hiểm từ cuộc chạy đua tên lửa mới giữa Nga và Mỹ

Các kế hoạch triển khai tên lửa mới của Nga và Mỹ có thể tạo ra “nhiều kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và các nước NATO” và tất cả các bên đều cần phải chuẩn bị cho những tình huống như vậy.

Bốn thập kỷ trước, Mỹ đã triển khai tên lửa hành trình và hạt nhân Pershing II ở châu Âu để chống lại tên lửa SS-20 của Liên Xô. Quyết định đó đã gây ra căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh nhưng cũng dẫn đến một thỏa thuận giải trừ vũ khí lịch sử.

“Chúng ta có thể tự hào vì đã trồng cây non này, một ngày nào đó nó có thể phát triển thành một cây hòa bình to lớn”, Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào tháng 12/1987 khi hai bên đồng ý dỡ bỏ các hệ thống đối đầu theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Hiệp ước này cấm hai bên phát triển và triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất, cũng như vũ khí thông thường có tầm bắn 500-5.500 km.

“Cây non” đó tồn tại đến năm 2019, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF với lý do Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, dù Moscow phủ nhận cáo buộc.

Những tác động của việc rút khỏi hiệp ước chỉ trở nên rõ ràng hơn khi cả Nga và Mỹ đặt ra kế hoạch triển khai tên lửa mới.

Ngày 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục sản xuất các tên lửa vốn bị cấm theo hiệp ước INF và sẽ đưa ra quyết định về nơi đặt chúng nếu cần.

Các chuyên gia an ninh cho rằng những tên lửa này, giống như hầu hết các hệ thống của Nga, sẽ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Ngày 10/7, Mỹ cho biết, từ năm 2026, nước này sẽ bắt đầu triển khai ở Đức các loại vũ khí bao gồm SM-6 và Tomahawk – trước đây chủ yếu được triển khai trên tàu, cũng như tên lửa siêu thanh mới. Đây là những hệ thống thông thường, nhưng về mặt lý thuyết, chúng cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân. Theo các chuyên gia, kế hoạch của Nga cũng sẽ phải tính đến khả năng này.

Jon Wolfsthal, Giám đốc rủi ro toàn cầu tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Thực tế là cả Nga và Mỹ đều đang thực hiện các bước mà họ tin rằng sẽ tăng cường an ninh của mình, bất kể điều đó có gây tổn hại cho đối phương hay không. Kết quả là, mọi động thái mà Mỹ hoặc Nga thực hiện đều buộc đối phương phải đáp trả theo cách nào đó, về mặt chính trị hoặc quân sự. Đó là định nghĩa của một cuộc chạy đua vũ trang”.

Các kịch bản tấn công

Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc, cho biết các kế hoạch triển khai tên lửa đã tạo ra “nhiều kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và các nước NATO” và tất cả các bên đều cần phải chuẩn bị cho những tình huống như vậy.

Về lý thuyết, nó có thể bao gồm các tình huống như một cuộc tấn công của Nga vào một căn cứ của Ba Lan, nơi cất giữ vũ khí của phương Tây dành cho Ukraine, hoặc một cuộc tấn công của Mỹ vào radar hoặc một trạm chỉ huy và kiểm soát của Nga.

Theo ông Baklitskiy, mỗi bên đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công như vậy bằng cách sử dụng tên lửa phóng từ trên biển hoặc trên không, nhưng việc bổ sung vũ khí phóng từ mặt đất sẽ giúp họ có nhiều lựa chọn hơn để tiến hành một cuộc tấn công và trụ vững trước đòn đáp trả của đối phương.

Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng vốn đã ở mức cao và thúc đẩy một vòng xoáy leo thang hơn nữa.

Wolfsthal cho biết ông coi kế hoạch triển khai tên lửa Mỹ ở Đức là một tín hiệu trấn an các đồng minh châu Âu hơn là một bước đi mang lại bất kỳ lợi thế quân sự đáng kể nào.

“Mối lo ngại duy nhất của tôi về việc triển khai các hệ thống này là chúng có thể không thực sự tăng cường khả năng quân sự nhưng chúng gần như chắc chắn sẽ làm tăng thêm nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có thể sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông nói.

Ulrich Kuehn, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh ở Hamburg, nhận định:: “Từ quan điểm của Nga, nếu Mỹ triển khai những loại vũ khí này ở châu Âu, chúng có thể tạo ra các hiệu ứng (mối đe dọa) chiến lược – tới các trung tâm chỉ huy của Nga, tới các trung tâm chính trị ở Nga, tới các sân bay, đường băng nơi đặt máy bay ném bom chiến lược của Nga”.

Theo ông nói, Nga có thể đáp trả bằng cách triển khai thêm tên lửa chiến lược hướng tới lục địa Mỹ.

Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

Bất kỳ kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung nào của Nga và Mỹ cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường lực lượng. Bắc Kinh vốn không bị ràng buộc bởi Hiệp định INF năm 1987 mà Mỹ và Liên Xô đã ký, vì thế họ được tự do mở rộng kho tên lửa.

Trong một báo cáo trước Quốc hội năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc có 2.300 tên lửa với tầm bắn từ 300-3.000 km, và 500 tên lửa tầm bắn 3.000-5.500 km.

Mối lo ngại về tên lửa của Trung Quốc là yếu tố quan trọng đằng sau quyết định của ông Trump từ bỏ hiệp ước với Nga và Mỹ đã thực hiện bước đầu tiên trong việc triển khai vũ khí tầm trung tới các nước đồng minh ở châu Á.  

Hồi tháng 4, Mỹ lần đầu tiên triển khai ra nước ngoài các tên lửa phóng từ mặt đất trước đây bị cấm theo INF. Các tên lửa này dã tham gia vào trong cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 tuần ở Philippines.

“Đây sẽ không phải là một cuộc chạy đua vũ trang hai bên giữa Nga với Mỹ và các đồng minh của Washington, nó sẽ phức tạp hơn nhiều”, chuyên gia Kuehn nói, cho rằng nó có khả năng liên quan đến Trung Quốc và các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các chuyên gia cho rằng cơ hội để Nga và Mỹ đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính đột phá giống như Tổng thống Reagan và nhà lãnh đạo Gorbachev đã đạt được vào những năm 1980 là rất xa vời.

“Ngay cả khi cả Nga và Mỹ đều đồng ý rằng ‘toàn bộ chuyện này sẽ  chẳng có lợi cho ai, hãy quay lại hiệp ước INF’, thì Washington cũng sẽ không thể làm điều đó vì họ cần các hệ thống có thể đối phó được với năng lực của Trung Quốc”, ông Baklitskiy nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img