Thursday, July 25, 2024

Nhiều người ‘sập bẫy’ lừa khi nhận những tin nhắn ‘y như thật’

Bẫy lừa phát tán tin nhắn giả mạo các thương hiệu đang rộ lên. Không ít người đã trở thành nạn nhân, bị chiếm đoạt tài sản.

Anh Đỗ Duy Khánh (36 tuổi), ngụ ở Q.7, TP.HCM, cho biết đã trở thành nạn nhân của bẫy lừa này. 

Cụ thể, vào đầu tháng 7 đã nhận tin nhắn có nội dung trở thành người may mắn trúng giải thưởng của thương hiệu đồng hồ C.

Trong tin nhắn có đường dẫn (link) yêu cầu anh Khánh điền thông tin. “Tôi có làm theo và bị chiếm quyền điều khiển điện thoại”, anh Khánh cho biết.

Một trường hợp khác là Vương Phan Hưng (26 tuổi), ngụ ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Hưng cho hay có nhận tin nhắn được ngân hàng V. tri ân. “Tôi tưởng là mình may mắn thật nên điền nhiều thông tin cá nhân trong link mà tin nhắn đề cập. Và sau đó, tôi bị mất một số tài khoản mạng xã hội. May mắn là tôi không bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng”, anh Hưng kể.

Cũng theo anh Hưng và anh Khánh, sở dĩ họ tin tưởng làm theo vì tin nhắn gửi đến đã giả mạo thương hiệu đồng hồ C. và ngân hàng V.

Nói về điều này, anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho biết đây thực chất là bẫy lừa phát tán SMS Brandname giả mạo. “Tình trạng tin nhắn SMS Brandname giả mạo thường xuất phát từ việc các đối tượng sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo để gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo tới người dùng với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu không cẩn thận, rất dễ sập bẫy, gặp nhiều rủi ro”, anh Bảo nói.

Nhiều người 'sập bẫy' lừa khi nhận những tin nhắn 'y như thật'

Một tin nhắn giả mạo ngân hàng nhắn tin để lừa đảo

THANH NAM

Anh Bảo cho biết dấu hiệu của bẫy lừa đang “rộ” lên trong thời gian gần đây, đó là kẻ lừa sẽ mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng. Sau đó nhắn tin cho “con mồi”. Nội dung tin nhắn thường sẽ đính kèm các link, đề nghị phải truy cập, điền thông tin cá nhân… nhằm chiếm đoạt hoặc cài đặt ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân.

“Bẫy lừa này đã và đang rất phổ biến hiện nay và dễ khiến nhiều người trở thành nạn nhân bởi kẻ lừa áp dụng chiêu khá tinh vi. Chẳng hạn cũng ngân hàng V có website đuôi .com.vn, nhưng kẻ lừa sẽ mạo danh ngân hàng V. với website có đuôi .vn. Trong quá trình yêu cầu nạn nhân điền thông tin, kẻ lừa có thể sẽ gửi tin nhắn hối thúc nhập mã OTP ngân hàng để chiếm đoạt tiền”, anh Bảo cho biết.

Để không sập bẫy, thành viên diễn đàn chongluadao.vn khuyên: “Cần phải cẩn thận, kỹ lưỡng, tỉnh táo khi nhận được tin nhắn từ các cơ quan, tổ chức. Hãy xem liệu rằng có đúng là từ các ngân hàng, cơ quan, doanh nghiệp… hay không? Có thể gọi đến số điện thoại nóng của các doanh nghiệp, ngân hàng để xác thực. Hãy đặc biệt cẩn thận với các tin nhắn mang nội dung chúc mừng trúng thưởng, tri ân khách hàng, khuyến mãi… Đừng bao giờ bấm vào link có dấu hiệu đáng ngờ”.

Quan trọng nhất, theo anh Bảo, đó là tuyệt đối không cung cấp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, mã OTP với bất kỳ ai. Có như vậy sẽ không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.

Anh Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1, TP.HCM, thừa nhận đơn vị cũng đang bị nhiều kẻ lừa mạo danh và phát tán SMS Brandname giả mạo. Anh Thương khuyên mọi người: “Khi nhận tin nhắn có nội dung tri ân, khuyến mãi, tặng quà… cần dừng lại khoảng vài phút để xác thực thông tin. Nhất là những tin nhắn liên quan đến ngân hàng, tiền bạc. Sự cẩn thận là không thừa”.

Với những trường hợp lỡ bị lừa đảo thì cần làm gì? Một cán bộ công an TP.HCM nói: “Cần trình báo ngay với cơ quan công an về vụ việc. Cùng lúc liên hệ với ngân hàng để đề nghị hỗ trợ”.

Anh Bảo thì cho rằng nếu chẳng may bị lừa, cần chia sẻ câu chuyện của bản thân gặp phải để mọi người biết, cảnh giác. Đừng quên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi