Monday, January 20, 2025

Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nghệ thuật

Gần đây một số nghệ sĩ Việt đã bắt đầu tung ra các sản phẩm nghệ thuật có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Những ứng dụng đầu tiên

Nếu trước đây, AI chỉ được sử dụng với mục đích giải trí do người dùng mạng xã hội thực hiện để thay đổi giọng hát của nghệ sĩ trong một ca khúc, hoặc sáng tạo mới giai điệu khác biệt cho những bài hát vốn đã quen thuộc, thì gần đây nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng đang tích cực sử dụng các công nghệ này.

Hà Trần cho biết ở album Những con sông ngón tay, thay vì sử dụng một trong 3 bức chân dung đã được họa sĩ phác họa để làm bìa đĩa, nữ ca sĩ và ê kíp đã cân nhắc thêm dùng ảnh phong cảnh và các tác phẩm do AI tạo ra. Sau khi suy xét, đặt lên bàn cân, phương án AI đã được lựa chọn. Giọng ca Sắc màu cho biết những hình ảnh này vừa mềm mại, vừa êm dịu và rất phù hợp với ý nghĩa, thông điệp của toàn đĩa nhạc.

Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nghệ thuật

Hình ảnh Đan Trường do AI tạo ra thiếu sinh động, trong khi các nhân vật ở hậu cảnh có tỷ lệ cơ thể kỳ lạ

NSCC

Mới đây, nam ca sĩ Đan Trường cũng gây chú ý khi phát hành MV Em ơi ví dầu được thực hiện 100% bằng trí tuệ nhân tạo. Anh cho biết ê kíp của mình đã mất đến 2 tháng và qua nhiều lần chỉnh sửa để cho ra đời sản phẩm này. Bằng nhiều công cụ AI như Leonardo và Runway (Gen-3), hơn 600 hình ảnh đã được tạo ra, phục vụ cho quá trình sản xuất. Đan Trường chia sẻ khó khăn của quá trình này nằm ở khâu dùng AI để tạo chuyển động, do hiện các công cụ nói trên chỉ hỗ trợ tạo ra mỗi lần các đoạn video dài 4 giây, và để có 4 giây này thì cũng phải mất từ 4 – 16 tấm hình. Do đó thời gian để thực hiện là tương đối dài, tốn nhiều công sức cũng như thời gian.

Không riêng Đan Trường, những ca sĩ như Hà Anh Tuấn, Vũ Thanh Vân cũng có những bước đầu tiên ứng dụng AI. Chẳng hạn trong MV đồ họa (MV visualizer) Hoa hồng quảng bá cho live concert Sketch a Rose (Phác thảo hoa hồng) tổ chức tại Singapore và Úc, Hà Anh Tuấn và ê kíp đã dùng AI để tạo ra các ảnh động và cho lặp đi lặp lại xuyên suốt MV. Do là MV đồ họa nên phần này còn khá đơn giản, không quá phức tạp. Hay ở MV Khó Để Yêu: Part 1 & 2, Vũ Thanh Vân cũng đã thử nghiệm công nghệ nói trên, nhưng do công nghệ vẫn chưa hoàn thiện nên phần hình ảnh chưa đạt chất lượng cao.

Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nghệ thuật

Tuy chất lượng MV Visualizer Hoa hồng không quá cao, nhưng phù hợp với concept Sketch a Rose (Phác thảo hoa hồng) của Hà Anh Tuấn

VietVision

Phản ứng trái chiều

Sau 2 ngày đăng tải, MV Em ơi ví dầu của Đan Trường có hơn 260.000 lượt xem – con số tương đối ấn tượng. Điều đó cho thấy việc sử dụng AI là một yếu tố truyền thông đặc biệt, có thể thu hút sự tò mò, chú ý và bàn luận của khán giả.

Theo quan sát, MV nói trên kết hợp cả ảnh động cũng như ảnh tĩnh. Thế nhưng ngay cả trong các khuôn hình tĩnh thì tốc độ cử động của miệng khi nhép theo lời bài hát cũng có khoảng trễ. Đó là còn chưa tính đến khuôn mặt của nam ca sĩ được AI tái tạo tuy khá giống nhưng lại cứng đơ, khiến phần hình ảnh thiếu sinh động, không tự nhiên.

Các cảnh động càng thiếu sót hơn, khi chất lượng mờ nhòe và hình ảnh diễn viên ở hậu cảnh không sắc nét, đôi khi còn sai tỷ lệ cơ thể, khiến chúng trở nên méo mó, biến dạng. Đây là điểm yếu nói chung của công nghệ này, khi chưa đặc tả được một cách chi tiết và chính xác cấu tạo cơ thể người. Ngoài ra, với việc các khung hình động chỉ tạo được khoảng 4 giây dẫn đến việc chuyển cảnh quá nhiều, trong khi các khung hình lại thiếu kết nối, khiến MV trở nên vụn vặt, chắp vá.

Có thể nói chất lượng hình ảnh đang là hạn chế lớn nhất của công nghệ này. MV Hoa hồng của Hà Anh Tuấn hay Khó để yêu của Vũ Thanh Vân cũng không thoát khỏi hạn chế nói trên, khi hình ảnh khá mờ nhòe. Tuy vậy do concept là Phác thảo hoa hồng có liên quan đến vẽ tay, nên đây không hẳn là điểm yếu quá quan trọng.

Tuy nhiên bìa album Những con sông ngón tay của Hà Trần lại được nhiều người đánh giá cao, khi vừa biểu đạt được ý tưởng siêu thực, vừa mở ra nhiều không gian suy ngẫm dành cho khán giả. Từ đó có thể thấy nếu biết sử dụng một cách chọn lọc thì trí tuệ nhân tạo có khả năng đóng góp nhiều ý tưởng độc đáo cho người nghệ sĩ.

Qua những dự án kể trên có thể khẳng định AI với những hạn chế hiện tại chỉ nên là một công cụ mang tính hỗ trợ, trong khi khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ vẫn quan trọng nhất, do đó không nên dựa dẫm hoặc quá lạm dụng. Bởi một khi chất lượng về mặt hình ảnh không được đảm bảo thì việc khơi gợi cảm xúc cho người thưởng thức là bất khả thi. 

KHÔNG NGỪNG THỬ NGHIỆM AI

Không chỉ ở VN, việc sử dụng AI vào tác phẩm nghệ thuật trên thế giới nhìn chung cũng gặp khó khăn. Nhóm nhạc RIIZE nổi tiếng của Hàn Quốc mới đây khi cho ra mắt phiên bản AI Generated Visualizer của ca khúc Impossible đã nhận về rất nhiều phản ứng trái chiều, đa số là không ủng hộ, bởi hình ảnh không sắc nét. Ngoài ra, từng có thời gian các ca sĩ ảo được tạo ra ở Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí ở VN, với mong muốn mang đến trải nghiệm mới mẻ, nhưng các dự án này cũng dần mất đi sức hút.

Tuy vậy, AI vẫn được nhiều nghệ sĩ coi là công cụ hỗ trợ đắc lực, miễn chúng không được phát triển để làm suy yếu hoặc thay thế vai trò của con người. Chẳng hạn vào năm ngoái, bằng cách sử dụng AI để tách giọng hát của John Lennon khỏi bản demo Now and Then mang đến cho người hâm mộ nhóm The Beatles một ca khúc mới sau 5 thập niên ban nhạc tan rã. Grimes – vợ cũ của tỉ phú Elon Musk, một nữ nghệ sĩ dòng nhạc điện tử nổi tiếng, cũng luôn không ngừng thử nghiệm AI trong các sản phẩm của mình…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img