Friday, July 26, 2024

Chào mũ beret!

Mũ nồi (mũ beret) – biểu tượng thanh lịch, tinh tế của những người yêu thời trang – đang có cuộc tái sinh ngoạn mục từ sàn diễn ra đường phố.

Chào mũ beret!

Mũ beret xuống phố

Những chiếc mũ beret trở lại

Khi ngôi sao Penelope Cruz xuất hiện trong trang phục Chanel thu – đông 2024, chiếc mũ beret màu hồng xinh xắn của cô đã gây chú ý. Người ta cũng lờ mờ đoán ra đã đến thời điểm bùng nổ của chiếc mũ biểu tượng này.

Coco Chanel cũng từng mở cửa hàng mũ đầu tiên vào năm 1912 ở Deauville (Pháp), chuyên về những chiếc mũ beret. Virginie Viard trước khi rời Chanel đã trình làng bộ sưu tập tưởng nhớ truyền thống và nguồn gốc của mũ beret Pháp. Một trong những thiết kế nổi bật là mũ newsboy cap cổ điển, tái hiện hoàn hảo bối cảnh thời trang tại thời điểm ấy.

Các nhà mốt khác như Schiaparelli và Dior cũng ra mắt những phiên bản beret có phong cách táo bạo và quyến rũ hơn. Schiaparelli ghi dấu bởi những chiếc mũ nhỏ nhắn, có thêm phần mỏ ngắn đen tuyền bí ẩn. Dior lại tạo ấn tượng với chiếc mũ beret họa tiết da báo. Nhà Prada thì thay đổi tỉ lệ, kích thước và chất liệu, tạo nên những chiếc mũ beret vừa lạ lẫm, vừa thú vị.

Chào mũ beret!

Penelope Cruz với chiếc mũ beret hồng của Chanel

Tại các sự kiện thời trang hay ra đường phố, nhiều ngôi sao Hollywood cũng chọn mũ beret để diện. Lý giải nguyên nhân đưa mũ beret trở lại, các tạp chí thời trang đều chung nhận định, xuất phát từ sự hồi sinh của trào lưu văn hóa đại chúng thập niên 2000 (Y2K). Để phối hợp tương xứng với áo cardigan, quần loe, mũ beret cũng tái xuất. Tất nhiên, hơi thở của thời đại cũng được thổi vào, tạo nên những sáng tạo phảng phất hoài niệm mà vẫn rất hợp thời.

Trong vài thế kỷ qua, mũ beret có thể xem là phụ kiện “phi giới tính” đầu tiên của ngành thời trang khi được cả nam và nữ yêu thích. Nguyên nhân khiến mũ beret có thể chinh phục được mọi người, trong đó có cả những tên tuổi vĩ đại trong giới nghệ thuật hay những nhà hoạt động đầy lý tưởng là vì tính đơn giản và hữu dụng của nó. Độ phổ biến và lịch sử lâu đời của mũ beret được cây bút Colin Bisset ví von chẳng kém gì hình ảnh chiếc xe đạp hay chiếc bánh mì baguette. Theo Bisset, hiếm có chiếc mũ nào được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng như mũ nồi.

Mũ beret đã phổ biến trong nhiều thế kỷ ở châu Âu. Bằng chứng là chúng được chính danh họa Rembrandt đưa vào những bức chân dung tự họa, cho thấy chiếc mũ được người Hà Lan rất ưa chuộng ở thế kỷ XVII. Tất nhiên, những chiếc mũ này lớn hơn và mềm hơn so với chiếc mũ ngày nay. Trong những cuộc “truy vết” lịch sử chiếc mũ, người ta thậm chí đề ra nhiều giả thuyết rằng chiếc mũ theo chân các giáo sĩ đi khắp nơi đã được cải tiến thành mũ beret.

Chào mũ beret!

Chiếc mũ màu sắc cầu vồng của Kim Kardashian trên Instagram

Chiếc mũ biểu tượng

Mũ beret ban đầu được sản xuất ở vùng Basque, làm bằng len và thường được những người chăn cừu sử dụng. Len khó thấm nước nên những chiếc mũ che mưa phùn khá hiệu quả. Nó cũng mang lại sự ấm áp và có tác dụng chắn gió khi người chăn cừu cần nhắm bắn thú dữ, chỉ cần họ kéo đưa về phía trước. Người ta nói rằng mũ nồi đã lan rộng khắp châu Âu vào những năm 1850, khi Napoléon III đội nó. Sau đó, nhiều nghệ sĩ (trong đó có Picasso) và các diễn viên điện ảnh đều đội mũ beret, biến chúng trở thành món thời trang không thể thiếu.

Dù phổ biến khắp châu Âu từ những năm 1850 nhưng từ lâu, mũ beret đã trở thành biểu tượng gắn liền với nước Pháp và những cô gái Pháp thanh lịch, tinh tế. Laulhère – thương hiệu mũ beret lâu đời nhất tại Pháp còn tồn tại đến ngày nay – có từ thời Edo.

Chào mũ beret!

Một bức tranh được nhà Laulhère lưu giữ, vẽ người chăn cừu đội mũ beret

Người sáng lập thương hiệu là Pierre Laulhère – một người buôn len. Ông thành lập Maison Laulhère vào năm 1792 để sản xuất tất (vớ) len. Con trai ông – Lucien Laulhère – tiếp quản công việc kinh doanh này, bắt đầu làm mũ beret dựa trên kiến thức và kỹ năng ông được thừa hưởng từ truyền thống gia đình vợ – gia đình Tournaben. Họ có nhà máy riêng ở Oloron-Sainte-Marie, dưới chân dãy núi Pyrenees.

Ngày nay, dù máy móc hiện đại xuất hiện, 80 – 90% quy trình sản xuất mũ beret của Laulhère vẫn được làm thủ công nhằm đảm bảo chất lượng. Vì tất cả nguyên liệu đều có nguồn gốc từ Pháp để đảm bảo “chất Pháp”, giá của chúng không hề rẻ.

Đến thế kỷ XX, mũ beret được lực lượng vũ trang quân đội sử dụng như đồng phục chính thức, đại diện cho lòng can đảm, tính kỷ luật và tinh thần chiến đấu dũng mãnh. Chiếc mũ nồi trở thành biểu tượng của cách mạng khi được nhà cách mạng người Argentina Che Guevara đội. Ông có lẽ là người đội mũ nồi nổi tiếng nhất thế giới.

Ở lĩnh vực nghệ thuật, sau Rembrandt và Picasso, mũ beret tiếp tục được các họa sĩ đương đại như John Olsen và Charles Blackman yêu thích. Không dừng lại ở đó, mũ beret còn bước vào phim ảnh. Chiếc mũ nồi đen cổ điển, vốn thường được người làm trang trại đội, đã thay đổi “số phận” khi được nữ minh tinh Lauren Bacall đội trong bộ phim The Big Sleep (tựa Việt: Giấc ngủ dài) vào năm 1946.

Chào mũ beret!

Một chiếc mũ được làm thủ công tại xưởng Laulhère ngày nay

Vào thời điểm Leslie Caron đội chiếc mũ beret trong phim An American in Paris (tựa Việt: Một người Mỹ ở Paris) thì nó đã trở thành một biểu tượng phi giới tính, đại diện cho thời trang, vẻ đẹp tinh tế và tinh thần phóng khoáng.

Ngày nay, mũ beret là phụ kiện thời trang được giới trẻ ưa chuộng. Mũ có đủ màu sắc và chất liệu đa dạng, từ loại cotton mỏng nhất đến loại len móc dày nhất. Thậm chí, có những chiếc mũ đầy sắc màu chẳng khác một chiếc kẹo hoặc dải cầu vồng như Kim Kardashian từng đội khi khoe bộ trang phục sang trọng của Dior trên Instagram. Các ngôi sao khác, từ Margot Robbie, Beyoncé đến Jennie của Blackpink… đều phải lòng chiếc mũ này.
Càng thú vị hơn khi biết doanh số bán mũ nồi ở Pháp đã tăng gấp đôi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đội sao cho đẹp?

– Không nên chọn mũ quá to hoặc quá nhỏ mà hãy chọn kích thước vừa phải để tạo sự cân bằng cho tổng thể. Chú ý đến hình dáng của khuôn mặt.

– Càng đơn giản càng tốt.

– Kết hợp mũ beret với những món đồ đơn giản. Màu sắc và chất liệu cũng nên hài hòa tương tự, không quá diêm dúa hoặc cầu kỳ. Nếu muốn làm mới phong cách Y2K theo hướng hiện đại hơn, có thể tham khảo cách phối đồ của Kylie Cantrell khi kết hợp mũ beret với váy xếp li và áo corset – đơn giản mà cực kỳ ấn tượng.

– Nếu là tín đồ của phong cách nhẹ nhàng theo kiểu Hàn Quốc, có thể tham khảo bí quyết từ những người nổi tiếng. Bạn có thể chọn áo len hoặc sơ mi có kiểu dáng vừa vặn, kết hợp với mũ beret để tạo nên vẻ ngoài ấm áp, tinh tế. Các tông màu cho bản phối lý tưởng bao gồm đen, trắng, be và xám.


Thư Hiên

Ảnh: Internet

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi