Đóng nắp ca-pô (mui xe) ô tô là thao tác tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thực hiện một cách tùy tiện, không đúng cách… theo thời gian sẽ làm hư hỏng, biến dạng phần nắp ca-pô. Vậy, khi cần đóng nắp ca-pô trên ô tô phải thao tác như thế nào cho đúng?
Việc đóng nắp ca-pô nếu thực hiện cẩu thả, không đúng sẽ làm hư hại, biến dạng bề mặt nắp ca-pô ảnh hưởng đến thẩm mỹ của xe. Thông thường, các tài xế, người dùng ô tô hiện nay thường đóng nắp ca-pô ô tô theo hai cách khác nhau.
Một số người đỡ nắp ca-pô xuống sát khoang động cơ sau đó dùng lực tay để ấn xuống. Số khác thường đỡ nắp ca-pô ô tô xuống, cách 15 – 20cm, sau đó cầm ở mép nắp ca-pô đẩy nhẹ để nắp ca-pô đóng sầm lại. Cả hai cách làm này đều giúp người dùng ô tô dễ dàng đóng nắp ca-pô ô tô lại. Vậy cách làm nào được cho là đúng và về lâu về dài không làm hư hỏng bề mặt nắp ca-pô?
Nhiều người cho rằng, cách đỡ nắp ca-pô xuống sát khoang động cơ sau đó dùng lực tay để ấn xuống sẽ không tạo ra âm thanh lớn, do đó được cho là cách làm đúng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược và dường như chỉ phù hợp với các dòng xe sang, có kết cấu, vật liệu dày dặn, chắc chắn. Còn với phần lớn các dòng ô tô phổ thông hiện nay, nếu người dùng sử dụng lực tay để ấn nắp ca-pô xuống, về lâu dài sẽ làm móp méo, biến dạng hình dáng nắp ca-pô, bởi phần nắp ca-pô trên hầu hết dòng xe phổ thông khá mỏng, kết cấu không chắc chắn như các dòng xe sang, cao cấp.
Bên cạnh đó, cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người dùng ấn nắp ca-pô không đủ lực để khớp vào chốt khoá. Nếu rơi vào trường hợp này sẽ khá nguy hiểm vì mui xe có thể bị bật ngược lên khi lái xe.
Do đó, theo các kỹ thuật viên sửa chữa ô tô, cách đóng nắp ca-pô ô tô đúng cách là đóng sầm nó lại. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đóng sầm không nên làm quá mạnh, quan trọng nhất là chốt nắp ca-pô đã được khóa chặt để giữ. Để thực hiện việc này, trước khi đóng nắp ca-pô ô tô người dùng nên kiểm tra xem trong khoang động cơ có chi tiết nào cản trở nắp ca-pô hay không? Bởi nếu cọc bình ắc-quy tháo nhưng quên gắn, nắp bình các dung dịch như nước làm mát, dầu máy hay vị trí cần đỡ nắp ca-pô gắn chưa đúng… sẽ cản trở việc đóng nắp ca-pô.
Sau đó, đỡ nắp ca-pô ô tô xuống cách 15 – 20cm so với khoang động cơ và cầm ở mép nắp ca-pô rồi thả hoặc đẩy nhẹ để nắp ca-pô đóng sầm lại. Với nhiều mẫu xe có phần nắp ca-pô mỏng và nhẹ. Nếu khoảng cách 15 – 20cm chưa tạo đủ lực để nắp ca-pô đóng lại, có thể nâng nắp ca-pô lên cao hơn nữa để trọng lực cũng lớn hơn giúp nắp ca-pô đóng kín.
Nguồn: thanhnien.vn