Thursday, July 25, 2024

Indonesia cân nhắc chính sách giáo dục bắt buộc 13 năm

Indonesia đang nghiên cứu chính sách giáo dục bắt buộc kéo dài 13 năm, trong đó bao gồm giáo dục mầm non vì giai đoạn này được đánh giá là độ tuổi vàng của trẻ.

Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Indonesia tăng tốc, kiến tạo thế hệ nhân lực vàng, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Chính sách giáo dục mới của Indonesia

Dữ liệu từ Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy trong năm 2023 chỉ có 36,36% trẻ em tại Indonesia theo học các trường mầm non. Điều này đặt Indonesia kém xa mức trung bình của khu vực, vì dữ liệu của UNICEF cho thấy rằng ở Đông và Đông Nam Á vào năm 2022, trung bình có 80% trẻ em đăng ký học mầm non 1 năm trước tuổi tiểu học.

Ngành giáo dục Indonesia cũng nhận thức rõ rằng giáo dục 1 năm trước khi trẻ chính thức đến trường là giai đoạn vàng rất quan trọng. Đây là thời điểm để khám phá tài năng sáng tạo tiềm ẩn của trẻ như ca hát, vẽ tranh, viết lách hoặc kể chuyện, cần phải phát triển. Chính vì vậy chính sách giáo dục bắt buộc thêm 1 năm tiểu học sẽ là khoảng thời gian để bồi dưỡng, khám phá các tài năng của trẻ đồng thời trẻ em sẽ được giáo dục về nhân cách. Với sự hiểu biết về các giá trị tôn giáo, học sinh sẽ không bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa nước ngoài.

Thực tế không chỉ Indonesia mà chính UNICEF nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc và giáo dục mầm non (ECCE). Tuy nhiên, gần 60% trẻ em ở các nước thu nhập thấp không được tiếp cận với các cơ hội học tập sớm. Kết quả là, hơn 300 triệu trẻ em trên thế giới sẽ không đạt được trình độ đọc tối thiểu vào năm 2030 trừ khi hành động ngay lập tức.

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng giáo dục mầm non là khoản đầu tư mang tính thay đổi lớn nhất mà một quốc gia có thể thực hiện nhằm mang lại cho tất cả trẻ em một khởi đầu công bằng trong cuộc sống, khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất, cả về mặt xã hội và kinh tế.

Chiến lược đổi mới

Phong trào Merdeka Belajar (Tự do học tập) tại Indonesia nhằm tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, mang lại trải nghiệm học tập thú vị và trao quyền cho học sinh, sinh viên khám phá các môn học, trong khi giáo viên được đào tạo với việc thiết kế chương trình giảng dạy tốt nhất, phù hợp với đặc điểm của trường và nhu cầu của học sinh.

Sau thời gian triển khai Merdeka Belajar đến nay, Bộ Giáo dục Indonesia đã phân phối khoảng 1,25 triệu thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông cho hơn 72.000 trường học. Ngoài các ứng dụng được thiết kế phục vụ công tác dạy và học, chính phủ cũng hỗ trợ việc vận hành tổ chức hành chính thông qua các ứng dụng.

Ngân sách để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của Indonesia lên tới 1,49 nghìn tỷ Rp (100 triệu USD). Trong đó, 109 tỷ Rp được sử dụng để cải tiến các nền tảng kỹ thuật số và 74 tỷ Rp dùng để thiết kế tài liệu học tập và các mô hình phương tiện giáo dục kỹ thuật số. Với đặc điểm nhân khẩu học trẻ, cùng mức phân bổ ngân sách 20% của chính phủ, Indonesia đang sở hữu nhiều lợi thế để có thể lạc quan về những triển vọng trong chiến lược chuyển đổi số ngành giáo dục.

Indonesia, quốc gia có số lượng học sinh và giáo viên lớn nhất Đông Nam Á và là hệ thống giáo dục lớn thứ tư trên thế giới, Chương trình này được kỳ vọng giúp Indonesia sẽ dẫn đầu các nỗ lực khu vực trong việc chuyển đổi kỹ thuật số trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên xét về triển vọng của giáo dục mầm non bắt buộc cần tính đến nguyên nhân, chính phủ Indonesia vẫn quá phụ thuộc vào khu vực tư nhân để vận hành giáo dục mầm non với số lượng trường mầm non công rất ít.  Điều này đã làm cho học phí trở nên đắt đỏ hơn. Trong nhiều gia đình tại Indonesia, phụ nữ ở nhà nội trợ nên họ sẽ cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách chăm trẻ cho đến khi bước vào lớp 1. Do đó để chương trình này hiệu quả cũng cần có các chính sách mở rộng trường công mầm non, giảm khoảng cách khác biệt trong hệ thống dịch vụ giữa trường công và tư để khuyến khích cha mẹ đưa con đến trường.

Kỳ vọng vào chính sách giáo dục kéo dài 13 năm

Chính phủ Indonesia đang có mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt 23.000 đô la Mỹ vào năm 2045. Chính vì vậy mục tiêu của chính quyền Tổng thống Indonesia Jokowi đó là tạo ra một thế hệ vàng, giúp cạnh tranh với các cường quốc khác.

Thế hệ vàng không chỉ là kỹ năng, chất lượng giáo dục mà còn cả về vấn đề sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên là quốc gia thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ trẻ em thấp còi suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn của Indonesia, là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện hóa những giấc mơ này.  Hậu quả kinh tế của tình trạng thấp còi không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn tác động đến nền kinh tế quốc gia.

Ngân hàng Thế giới ước tính tình trạng thấp còi và các vấn đề dinh dưỡng khác làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3% mỗi năm. Do đó Indonesia đã có chiến lược dài hạn để giảm tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng trong trẻ em ở Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ thấp còi xuống 14% vào năm 2024. Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cũng cam kết với việc thúc đẩy chất lượng dinh dưỡng của trẻ với Chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh. Dự kiến chương trình này sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí cho 82 triệu học sinh trong cả nước vào năm 2029.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi