VTV.vn – Nghiên cứu cho thấy có những rủi ro nhất định liên quan đến việc uống rượu trên máy bay. Dưới đây là những điều bạn cần ghi nhớ.
Kết quả của một nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng này cho thấy, có những rủi ro nhất định liên quan đến việc uống rượu trên máy bay, đặc biệt là trên những chuyến bay dài khi bạn định đi ngủ.
Tiến sĩ Eva-Maria Elmenhorst, nhà nghiên cứu tại Viện Y học Hàng không vũ trụ ở Cologne – Đức, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra tác động kết hợp giữa độ cao và rượu.
Độ cao và rượu ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Tiến sĩ Colin Church, nhà nghiên cứu về phổi và giảng viên cao cấp tại Đại học Glasgow ở Scotland cho biết, khi máy bay cất cánh, nồng độ oxy trong cabin giảm xuống và điều đó khiến lượng oxy trong máu của bạn cũng giảm. Khi đó, việc uống rượu có thể làm tăng nhịp tim của bạn và làm giảm nồng độ oxy trong máu khi ngủ.
Trong nghiên cứu, người ta đã tuyển 48 người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 40. Một nửa hoàn thành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về giấc ngủ với áp suất không khí bình thường. Nửa còn lại ngủ trên giường tầng trong buồng độ cao với áp suất không khí tương tự như trên máy bay.
Những người tham gia ở cả hai nhóm đều ngủ từ nửa đêm đến 4 giờ sáng trong hai đêm, một đêm tỉnh táo và một đêm sau khi uống 100ml rượu vodka, một lượng cồn tương tự như lượng cồn có trong hai cốc bia hoặc một ly rượu vang. Họ đeo các thiết bị để đo nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và các giai đoạn ngủ.
Những người tham gia ngủ ở áp suất không khí bình thường có mức oxy trong máu trung bình là 96% vào đêm tỉnh táo và 95% vào đêm uống rượu. Nhưng đối với những người ngủ trong buồng độ cao, nồng độ oxy ở mức 88% khi tỉnh táo và 85% sau khi uống rượu.
Nhịp tim trung bình khi ngủ ở áp suất không khí bình thường tăng từ 64 nhịp/phút khi tỉnh táo lên 77 nhịp/phút sau khi uống rượu; và ở độ cao, từ 73 nhịp mỗi phút khi tỉnh táo đến 88 nhịp mỗi phút sau khi uống rượu.
Tiến sĩ Sarraju cho biết, nồng độ oxy trong máu thấp hơn và nhịp tim tăng lên là bằng chứng của sự căng thẳng đối với hệ thống tim mạch – tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng oxy sụt giảm. Nếu bạn còn trẻ và khỏe mạnh, loại căng thẳng này đối với tim có thể khiến bạn cảm thấy hơi mệt mỏi. Nhưng nếu bạn mắc bệnh tim hoặc hô hấp, chẳng hạn như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc ngưng thở khi ngủ, nó có thể khiến bạn choáng váng và khó thở. Việc uống rượu có thể làm tăng nguy cơ bạn phải cấp cứu y tế trong suốt chuyến bay.
Tiến sĩ Church cho biết, rượu cũng làm mất nước, có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển cục máu đông ở chân hoặc phổi.
Việc uống rượu trên chuyến bay ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào?
Tiến sĩ Alanna Hare, chuyên gia về giấc ngủ và Chủ tịch Hiệp hội Giấc ngủ Anh cho biết, rượu là thuốc an thần, vì vậy nếu uống gần giờ đi ngủ, bạn thường sẽ ngủ nhanh hơn. Trong nghiên cứu, những người ngủ trong buồng độ cao mất trung bình 19 phút để ngủ khi tỉnh táo và 12,5 phút sau khi uống rượu.
Nhưng khi cơ thể bạn phân hủy rượu vào ban đêm, chất lượng giấc ngủ của bạn thực sự kém đi và bạn sẽ thức dậy thường xuyên hơn, Tiến sĩ Bhanu Kolla, bác sĩ y học về giấc ngủ tại Mayo Clinic cho biết. Kết quả là ngày hôm sau bạn có thể sẽ thấy mệt mỏi bởi cảm giác không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Trong nghiên cứu, những người tham gia ngủ trong buồng độ cao dành ít thời gian hơn cho giấc ngủ sâu và giấc ngủ REM so với những người ngủ ở áp suất không khí bình thường. Rượu làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ hơn nữa: Họ thức dậy thường xuyên hơn và so với 22 phút ngủ REM khi tỉnh táo, họ ngủ được 14,5 phút sau khi uống rượu. (REM là viết tắt của Rapid Eye Movement, có nghĩa là giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt. Lúc này, mắt đã nhắm nhưng vẫn chuyển động rất nhanh, não tạo ra các hình ảnh kì lạ hay còn gọi là giấc mơ và hoạt động mạnh. Theo như một số nghiên cứu, trong giấc ngủ REM thì hơi thở của chúng ta vẫn chậm rãi nhưng tim thì đập rất nhanh đồng thời huyết áp cũng tăng cao).
Tiến sĩ Kolla cho biết, rượu cũng có thể làm giãn các cơ xung quanh đường hô hấp trên, gây ra chứng ngáy. Đối với những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Bạn nên làm gì?
Tốt nhất bạn nên tránh uống rượu trước hoặc trong chuyến bay, đặc biệt nếu bạn bị bệnh tim, phổi hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.
Thay vì uống rượu, các chuyên gia gợi ý một số cách thay thế để thư giãn. Đừng tạo áp lực cho bản thân phải ngủ, nhưng hãy thoải mái. Mang theo gối du lịch và bịt mắt, đồng thời sử dụng nút bịt tai hoặc nghe nhạc êm dịu, những thứ này thực sự hữu ích cho bạn trong những chuyến bay dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!