Alibaba “khai chiến” thương mại điện tử ở Châu Á

Vũ khí của “ông lớn” này là miễn phí giao hàng tới một số thị trường lớn ở lân cận và Đông Nam Á

Tập đoàn Alibaba đang triển khai chương trình trợ cấp giao hàng toàn cầu với những nhà bán trên hai sàn Taobao và Tmall. Alibaba cho biết những nhà bán đủ điều kiện trên Taobao và Tmall có thể đăng ký tham gia dự án miễn phí vận chuyển đơn hàng ra nước ngoài. Như vậy, nhà bán giờ có nhiều cơ hội để bán trực tiếp sản phẩm của họ cho người tiêu dùng ở một số thị trường khác bên ngoài Trung Quốc Đại Lục.

Theo thông tin từ Alibaba, các nhà bán trong danh mục thời trang, gồm quần áo nam nữ, trang phục thể thao, giày, túi xách, phụ kiện, v.v. đều đủ điều kiện tham gia.

Alibaba tuyên bố: “Trong lĩnh vực thời trang nhanh, những nhà bán của Taobao sở hữu lợi thế lớn trên quy mô toàn cầu, vì họ đã có kinh nghiệm vận hành các cửa hàng thương mại điện tử, cũng như hậu thuẫn bởi chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nơi được mệnh danh là ‘công xưởng của thế giới’”.

Khi đã đăng ký chương trình thành công và có được đơn hàng quốc tế, các nhà bán chỉ cần gửi hàng đến kho chung ở Trung Quốc, sau đó Alibaba sẽ xử lý quá trình vận chuyển xuyên biên giới. Hiện tại, chương trình này chỉ hỗ trợ vận chuyển đến một số thị trường châu Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc. Họ dự kiến sẽ bổ sung các khu vực khác vào cuối năm nay.

Dự án mới này của Alibaba là một phần trong những nỗ lực nhằm cạnh tranh với hai người chơi “đồng hương” là Shein và Temu. Tính theo thời gian, Alibaba mới là cái tên tiên phong trong việc mở rộng nền tảng mua sắm ra nước ngoài, với những sản phẩm như AliExpress hoặc Lazada. Thế nhưng lợi thế ấy đã dần lu mờ khi Shein, Temu và TikTokShop sinh sau đẻ muộn nhưng hoạt động quá hiệu quả.

Temu đã và đang khẳng định vị thế một nền tảng mua sắm giá rẻ được yêu thích trên toàn cầu. Các thống kê cho thấy nửa đầu năm 2024, Temu đạt doanh thu 20 tỷ USD, vượt qua cả tổng doanh thu năm 2023 (18 tỷ USD). Hồi năm ngoái, nền tảng này đã bắt đầu thâm nhập một số thị trường Đông Nam Á như Malaysia và Philippines.

Không chỉ vậy, Temu còn cung cấp một mô hình tương tự “dịch vụ một cửa” để thu hút nhà bán Trung Quốc. Ở đó, Temu đảm nhiệm việc định giá, tiếp thị và hỗ trợ khách hàng, trong khi những nhà bán và nhà sản xuất chỉ cần vận chuyển hàng hóa đến các kho tập trung của Temu tại Đại Lục.

Vẫn còn cơ hội để Alibaba chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Doanh thu hiện tại của cả Shein lẫn Temu đều chủ yếu đến từ Mỹ (40%). Thị trường Đông Nam Á của Temu chỉ chiếm 6%, và họ đang cố gắng tăng lên 20%. Trong khi đó, Alibaba đã có sẵn sàn Lazada tại Đông Nam Á, mặc dù Lazada hụt hơi rất nhiều trước Shopee ở khu vực này.

Nếu đẩy Taobao vào Đông Nam Á, có vẻ Alibaba sẽ phải đối mặt với tình trạng huynh đệ tương tàn, khi Taobao và Lazada cùng cạnh tranh, đặc biệt thời trang còn là danh mục hàng hóa chính của Lazada ở một số quốc gia. Tuy nhiên Lazada vẫn có thể hưởng lợi từ chương trình trợ giá giao hàng toàn cầu mới của Alibaba, bởi vì người bán tham gia chương trình cũng đồng thời có thể tham gia vào Lazada, vì Lazada đã có sẵn tại những quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh việc trợ giá vận chuyển ra nước ngoài với thị trường Châu Á, Alibaba cũng có những động thái riêng đối với các thị trường khác. Hồi tháng 3, đơn vị tiếp vận thông minh Cainiao của Alibaba và sàn thương mại điện tử AliExpress đã mở rộng dịch vụ giao hàng quốc tế trong vòng 5 ngày đến Mỹ, sau khi triển khai tại Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Ả Rập Xê út và Mê hi cô hồi năm ngoái.

Đây là những bước đi được suy xét kỹ của Alibaba, bởi vì đối với một đơn vị muốn đẩy mạnh việc bán hàng xuyên biên giới, thì khâu giao hàng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong khi đó, việc tăng cường hoạt động ở nước ngoài là điều bắt buộc phải làm, vì bản thân Alibaba cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt ở quê nhà. Đồng thời trong vài năm tới, lĩnh vực thương mại điện tử khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ phát triển rất nhanh.