Riêng sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,96 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023. Với những yếu tố thuận lợi của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2024 có thể đạt trên 16 tỷ USD.

Thời điểm “vàng” của ngành gỗ

Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU.

Trong đó, Mỹ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gỗ nhiều nhất, đạt 4,1 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD… Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.

“Tại thị trường Hoa Kỳ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nước này”, ông Ngô Sỹ Hoài thông tin.

Vẫn theo ông Ngô Sỹ Hoài, theo diễn biến mới nhất từ nay cho đến cuối năm 2024 Mỹ đang có những động thái cắt giảm lãi suất. Điều này tác động đến kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, từ đó sẽ làm nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh mẽ.

Còn có một yếu tố khác cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ trong nửa cuối năm 2024, đó là vào ngày 17/7 Bộ Thương mại  Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Thời điểm “vàng” của ngành gỗ

Mỹ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gỗ nhiều nhất, đạt 4,1 tỷ USD.

Theo đó, Bộ Thương Mại Mỹ đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. “Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Mỹ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.

Đánh giá về những tín hiệu tích cực đến từ các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ông Nguyễn  Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP. HCM cho biết, so với cùng kỳ năm 2023 các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng về hợp đồng đặt hàng đến nửa đầu năm 2024 là 22%, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến gần hết năm 2024.

Đặc biệt, ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc… thì các thị trường mới được doanh nghiệp khai thác thời gian gần đây cũng có dấu hiệu tích cực, như Canada đạt 113.000 USD, tăng 23,9%, Ấn Độ đạt 73.000 USD, tăng 94,2%…

Tuy nhiên, để tăng trưởng và phát triển bền vững, một số chuyên gia ngành gỗ đề xuất ngành gỗ cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh để đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu.

Đơn cử, phát triển công nghệ, máy móc hiện đại, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistic, nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, ngành gỗ cần tự sáng tạo, bỏ công sức đầu tư, thiết kế vào sản phẩm để nâng cao giá trị, lợi nhuận sản phẩm và chống chọi được biến động của thị trường.