Trong 6 tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu xấp xỉ 800 tỷ đồng trên Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop.
Thông tin trên được nêu trong “Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024” của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam). Công ty cho biết, dữ liệu công bố được thu thập bằng công nghệ, đã loại bỏ đơn ảo và hàng quà tặng.
Theo đó, tổng doanh số trong 6 tháng đầu năm 2024 của 5 sàn thương mại điệ tử (TMĐT) đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
“Thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế”, Metric nhận định.
Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh số kênh trực tuyến đến từ TikTok Shop và Shopee, lần lượt đạt 150,54 % và 65,97% so với cùng kỳ 2023. Theo Metric, điều này là nhờ 2 nền tảng có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi Lazada, Tiki và Sendo chứng kiến chi tiêu của khách hàng giảm 2 con số nửa năm qua.
Còn theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình, mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.
“Trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%”, đại diện NielsenIQ cho biết.
Vẫn theo báo cáo của NielsenIQ Việt Nam, 3 nhóm mặt hàng được quan tâm và đạt doanh số cao nhất là mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống. Tiếp đó là các mặt hàng thời trang, thể thao, chăm sóc nhà cửa, công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, và vận chuyển hàng hóa…
Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá sự bùng nổ của TMĐT đã kéo theo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Từ chỗ xa lạ, tới nay thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành thói quen với người tiêu dùng.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ trong chi trả các phí dịch vụ như tiền điện, nước, internet, thanh toán học phí, viện phí mà cũng đang ngày càng phổ biến trong tiêu dùng hàng ngày.
Không chỉ tại siêu thị, nhà hàng, mà hầu hết các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đều áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR hoặc qua các ví điện tử như Viettel money, Mobile money, VN PAY…
Ở góc độ khác, kinh doanh trên kênh TMĐT mặc dù mức độ cạnh tranh ngày một cao, nhưng theo các chuyên gia TMĐT thì kênh này vẫn được xem như “lối tắt” để người bán hàng có thể khởi sự kinh doanh và có doanh thu sớm nhất, khi nguồn lực tài chính, con người chưa đủ để tự tổ chức các khâu hậu cần.
Ông Trần Lâm, chuyên gia TMĐT nhận định các sàn có những lợi thế cạnh tranh mà các kênh bán khác khó so sánh. Đơn cử, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, miễn phí mua sắm, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, với hệ thống đánh giá hữu ích và lượng thông tin quy mô siêu rộng vốn có, sàn có thể đưa cho khách hàng những gợi ý sản phẩm phù hợp với mong đợi và nhu cầu của từng người.
“Nhờ đó, người bán hàng khi tham gia không những có cơ hội khiến doanh số tăng đột biến, người bán còn tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, tăng độ phủ của thương hiệu”, ông Trần Lâm nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Trần Lâm, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn TMĐT diễn biến phức tạp trong tương lai, nếu nhà bán hàng nào chỉ phụ thuộc vào một sàn thì sẽ gặp khó. Đồng quan điểm, nhà sáng lập Babyhop Vũ Minh Trà cho rằng hướng đi trong năm 2024 cho các nhà bán hàng TMĐT sẽ là “đa sàn, đa shop, đa sản phẩm”. Tức là, khách hàng ở đâu thì nhà bán hàng ở đó, khách cần gì thì nhà bán hàng có thứ đó.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn