Đại diện Citibank Việt Nam thông tin, khoảng 68% doanh nghiệp Nhật Bản trước đây đầu tư sang Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu. Đến nay, con số này đã giảm xuống 50%, còn lại hướng vào thị trường nội địa.

Thương hiệu Nhật Bản đang hiện diện ngày càng nhiều hơn ở thị trường Việt Nam. Ngoài những thương hiệu đã quen thuộc như Aeon Mall, Uniqlo thì Matsukiyo đang mở rộng hệ thống cửa hàng tại một số thành phố lớn.

Doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam

Các nhà đầu tư nước ngoài khai thác thị trường nội địa một cách chuyên nghiệp, hiện đại

Cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc cũng đang khai thác tốt thị trường trong nước. Điển hình là thành công của các siêu thị và trung tâm Lotte tại một số thành phố hay thương hiệu mới hơn là GS25 cũng đang mở rộng hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành.

Theo đại diện Citibank Việt Nam, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam là lý do chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược để tận dụng và khai thác hiệu quả thị trường lớn với 100 triệu dân, GDP đầu người tăng cao, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài trong hơn 1 năm qua cũng cho thấy, bất chấp khó khăn chung, ngành dịch vụ bán buôn và bán lẻ luôn nằm trong top các ngành, lĩnh vực thu hút số lượng dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở trong nước, dù tình hình kinh tế còn chịu tác động của suy thoái, song từ đầu năm đến nay, ngành hàng này đang hồi phục nhanh hơn và trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm, bán buôn và bán lẻ nằm trong một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Doanh thu bán lẻ trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 2.398,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán lẻ duy trì sức mua và có thêm nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian tới (ảnh minh hoạ) 

Dự báo trong thời gian tới, bức tranh của thị trường nội địa có thêm gam màu sáng từ những chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi và phát triển, hay tác động tích cực từ tăng trưởng ngành du lịch. Tổng cục Thống kê nhận định, một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng tốt hơn bởi các chính sách kích cầu tiêu dùng, chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Công ty CP nghiên cứu kinh doanh Việt Nam (Viet Research) cũng đánh giá, trong thời gian qua, bán lẻ là một trong số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Triển vọng tăng trưởng này dự báo tiếp tục duy trì tốt.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp bán lẻ, Viet Research cho biết, 80% doanh nghiệp bán lẻ thuộc top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 thuộc ngành bán lẻ đã tính đến đầu tư vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo. Cùng với thay đổi mô hình đầu tư để bắt kịp thay đổi thói quen tiêu dùng mới, các doanh nghiệp tin sẽ vượt qua khủng hoảng và tạo đà tăng trưởng cho lâu dài.