VTV.vn – Tại Long Xuyên, An Giang, để giúp những người khó khăn, đặc biệt là những em nhỏ không được đến trường lớp, một lớp học tình thương đã được một người thương binh tổ chức.
Suốt 30 năm qua, dù nắng hay mưa lớp học vẫn được tổ chức. Ở đây học trò từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung với nhau. Người dân địa phương gọi đây là lớp học tình thương, còn với người thương binh này thì đây là lớp học làm người.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, đó cũng là tiêu chí và mục tiêu lớn nhất của lớp học tình thương này. Trước đây, khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên là một trong những điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là tội phạm trẻ em. Do đây là xóm lao động nghèo, con trẻ đa phần ít có điều kiện đến trường. Vậy là ông Nguyễn Hữu Thời đứng ra vận động mở lớp, kéo các em ra khỏi vòng vây của trò chơi điện tử và những cám dỗ khác để học điều hay lẽ phải. Gần 30 năm qua, đã có vài trăm em bước ra từ lớp học này và hòa nhập vào cuộc sống, có công ăn việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Hữu Thời (TP. Long Xuyên, An Giang) sinh năm 1951, là thương binh loại 2/4, hiện đang chăm lo và giúp đỡ cho lớp học tình thương.
Ông chia sẻ: “Xung quanh đây là lớp học tình thương mới. Tôi ngồi ở đây mới nhớ cái lớp học tình thương trước đây rất èo ọt, tồi tàn. Mưa thì dột, nắng thì chói.
Cái thèm con chữ của các cháu, thèm lắm. Tôi thấy các cháu vậy mà tôi thương. Đúng là các cháu nó thèm chữ ghê lắm chứ không phải là đơn thuần.
Cho nên, tôi đưa con chữ đến cho các cháu. Cái thứ 2 là sự lễ phép. Sự lễ phép cực kỳ quan trọng. Tôi quan niệm, đời con người ta mà ăn ở không có đức, không có lễ phép thì hổng có tác dụng gì”.
Có lúc thì đi không nổi. Tôi chỉ ngồi trên xe thôi, tôi cũng phải đến lớp học. Là một anh bộ đội cụ Hồ, tôi và đồng đội từng hứa với nhau là chiến đấu suốt đời, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Cho nên, chúng tôi quyết định phải làm cho được cái này. Toàn bộ lương thương binh của tôi, tôi bỏ vào lớp tình thương này từ năm 1994 đến nay, bên cạnh sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân làm cho tôi có nhiều động lực hơn để lo cho các cháu nhiều hơn.
Bác Hồ từng dạy ‘đuổi giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt’, cho nên ta giải phóng được cái giặc dốt này là cái lợi cho mình, cho xã hội”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!