Saturday, July 27, 2024

Tại sao Gen Z dễ ‘ngán’ việc?

Gen Z, thế hệ sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển; là người trẻ với đầu óc sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, có sự đột phá và các ưu điểm nổi trội.

Gen Z (Generation Z) là nhóm người trẻ được sinh ra từ năm 1997 – 2012; cũng ý kiến cho rằng Gen Z sinh từ năm 1995 – 2010. Đây là thế hệ trẻ đã tham gia vào thị trường lao động dưới 10 năm qua. Dự báo năm 2025, Gen Z sẽ chiếm một phần ba thị trường lao động Việt Nam. Nhưng thực tế hiện nay, một số ý kiến cho rằng một bộ phận người trẻ kiệt sức, chán công việc và muốn tìm kiếm môi trường làm việc khác.

Nỗi niềm người trong cuộc

Đi làm, có một nguồn thu nhập ổn định, chế độ đãi ngộ tốt, có lẽ không quá khó với thế hệ Gen Z. Vốn là thế hệ năng động, giàu nhiệt huyết, Gen Z đang là nhân tố được nhiều công ty, doanh nghiệp săn đón. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp, khi đã đạt được một vị trí công việc nhất định nào đó, những người trẻ này lại nảy sinh cảm giác chán nản, không muốn tiếp tục đi làm.

Là một người thuộc thế hệ Gen Z, Mai Anh Quân (23 tuổi, ở Quảng Trị) đã “nhảy việc” liên tục 2 lần kể từ ngày đi làm cho đến nay. Anh Quân đặt kỳ vọng rất cao trong phát triển sự nghiệp, đặc biệt là việc lựa chọn môi trường làm việc lý tưởng.

“Trước đây, tôi đã tưởng tượng rất nhiều về cuộc sống đi khi đi làm. Công việc đúng định hướng, môi trường làm việc năng động, đồng nghiệp hòa đồng… Cho đến khi tôi tự mình trải nghiệm, hóa ra mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Ở công ty cũ của tôi, lợi ích cá nhân là thứ luôn được đặt lên hàng đầu. Đồng nghiệp thì xoi mói, chỉ trích, chia bè kết phái… Mỗi ngày đi làm tôi đều rất ám ảnh, dần dần tôi ngán ngẩm công việc nên mới quyết định về quê một thời gian”, anh Quân nói.

Tương tự, chị Anh Thư (22 tuổi, ở TP.HCM) kể, chị là một “nạn nhân” bị sếp đối xử tệ trong khoảng thời gian làm thực tập sinh tại công ty truyền thông. Thời điểm chị còn là một sinh viên năm 3, khi vào thực tập tại công ty, chị Thư không khác nào một “chân sai vặt” của đồng nghiệp. Ấm ức, chị chia sẻ với sếp thì bị sếp đánh giá là chảnh chọe, tính cách tiểu thư, không có tinh thần cố gắng.

“Có lần sếp nói tôi nộp gấp thiết kế trong đêm, tôi cũng cố gắng hoàn thành theo đúng yêu cầu mà không một lời than phiền. Tôi chỉnh sửa nhiều lần nhưng sếp vẫn không duyệt và không nói rõ nguyên do. Trong cuộc họp ngày hôm sau thì sếp phê bình tôi trước tập thể. Kể từ đó, mỗi lần nghe đến chuyện đi làm tôi đều cảm thấy sợ hãi, lo rằng mình sẽ lại gặp một người sếp như vậy ở nơi làm việc khác”, chị Thư chia sẻ.

Tại sao Gen Z dễ 'ngán' việc?

Để Gen Z có hứng thú với công việc thì cần có một người sếp đóng vai trò như người dẫn dắt, kết nối

UYỂN NHI

Sếp – nhân tố quan trọng nhưng không phải duy nhất?

Anh Sơn (30 tuổi, ở TP.HCM, là lãnh đạo nhóm marketing của một cơ sở bảo trợ xã hội) nói, Gen Z là thế hệ trẻ, có nhiều cá tính nổi bật so với các thế hệ trước. Trong môi trường công sở, để Gen Z gắn kết với đồng nghiệp và khơi dậy niềm đam mê, hứng thú với công việc; thì cần phải có một người sếp đóng vai trò như người dẫn dắt, kết nối.

Theo anh Sơn, một người sếp tốt là một người biết truyền cảm hứng cho nhân sự, là người biết lắng nghe, tạo điều kiện cho nhân sự trẻ phát triển, thăng tiến. Điều đó sẽ giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có động lực cống hiến.

“Khi nhân sự chia sẻ ý tưởng, sếp cần biết lắng nghe, tôn trọng sự sáng tạo chứ không rập khuôn hay cứng nhắc theo quan điểm của sếp. Ngoài ra, sếp cần nhiệt tình hỗ trợ nhân sự hoàn thành công việc như: duyệt sản phẩm nhanh, cho feedback (phản hồi) rõ ràng; tạo điều kiện làm việc online… sẽ khiến nhân sự Gen Z không bị chán việc và yêu thích công việc hơn”, anh Sơn chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Sơn, chị Thanh Trang (30 tuổi, ở TP.HCM, là trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm nhân thọ) cho hay, để “giữ chân” nhân sự Gen Z và giúp Gen Z tăng hiệu suất làm việc và cống hiến hết mình, thì sếp phải công tâm, luôn chủ động hỏi han, quan tâm các nhân sự.

Chị Trang nói thêm, sếp cần tạo cơ hội cho nhân viên của mình được thể hiện năng lực của bản thân, phân họ vào công việc đúng với năng lực để Gen Z có thể phát huy được sự sáng tạo của mình. Điều này giúp nhân sự bộc lộ hết được những điểm mạnh của mình, làm thúc đẩy khả năng cống hiến, cũng như sự nỗ lực vì thành tích chung của tập thể.

Ngoài ra, công ty cũng nên tổ chức các buổi teambuilding để biến các “rạn nứt” các nhân sự trở nên “lành lặn” hơn. “Mỗi tháng, tôi thường tổ chức các buổi đi ăn uống để các đồng nghiệp được tâm sự với nhau. Tôi cũng chuẩn bị những món quà nhỏ như các câu động viên dành cho từng nhân sự vào thiệp để các bạn đỡ căng thẳng, mệt mỏi”, chị Trang kể.

Tuy nhiên, theo chị Thu Nghiệp (22 tuổi, ở TP.HCM, nhân viên marketing một công ty bất động sản) nói, sếp là nhân tố quan trọng nhưng không phải duy nhất quyết định độ gắn bó của Gen Z với công việc. Có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định ở lại hay rời đi của Gen Z.

“Tôi nghĩ sếp chỉ chiếm khoảng 50% nhân tố quyết định độ gắn bó của Gen Z với công việc. Gen Z chú trọng yếu tố tinh thần nên sẽ quan tâm nhiều đến môi trường làm việc. Nếu môi trường làm việc quá áp lực, đồng nghiệp toxic (độc hại), không có lộ trình thăng tiến rõ ràng và lương không đúng với năng lực, tôi sẽ chán công việc và quyết định nhảy việc”, chị Nghiệp chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi