Monday, July 29, 2024

Gen Z có phải là thế hệ ‘suy nghĩ quá nhiều’?

Overthinking (suy nghĩ quá nhiều) là một chứng rối loạn tâm lý mà nhiều người mắc phải. Đặc biệt ở chốn công sở, nhiều Gen Z đã rơi vào tình trạng này dẫn đến mất ăn, mất ngủ và giảm hiệu quả trong công việc. Nhiều người nói overthinking là một ‘đặc trưng’ của Gen Z.

Là nhóm mới gia nhập thị trường lao động và đứng giữa môi trường đa dạng có nhiều thế hệ, người tài giỏi cũng như cạnh tranh hơn, đa số Gen Z (tức thế hệ sinh từ năm 1997 – 2012, hay từ năm 1995 – 2010 theo một số luồng ý kiến) có một tâm lý sợ sai lầm, mong muốn hoàn hảo… Và điều này trở thành nguồn gốc của chuyện “suy nghĩ quá nhiều” – overthinking. Một hệ lụy của overthinking chính là “hút cạn” tinh thần của nhân sự trẻ.

“Một lời nói thoáng qua cũng khiến suy nghĩ cả ngày”

Đã 3 tháng nay, anh N.H (23 tuổi, ở TP.HCM) chẳng thể tập trung vào việc gì. Là một sinh viên mới ra trường, anh H. cho hay mình bị khủng hoảng và mắc phải hội chứng overthinking khi đi làm. Nguyên nhân xuất phát từ áp lực công việc, chưa kịp thích ứng với môi trường mới, đụng độ với các lao động lớn tuổi hơn trong công ty…

“Từ ngày đi làm, chưa có đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Từ trước đến nay, tôi là người hay để tâm đến các tiểu tiết, một lời nói thoáng qua của đồng nghiệp cũng khiến tôi suy nghĩ cả ngày dài. Đơn cử, khi sếp thả like tin nhắn của tôi, tôi lập tức overthinking, tự suy diễn đủ chuyện: sếp giận mình không, hay mình làm sai, mình làm chưa hài lòng sếp… Rồi khi nhìn thấy các đồng nghiệp đạt KPI (chỉ số hiệu quả) sớm, được khen, được thưởng, tôi lại nghĩ mình tệ, nghĩ đến chuyện bị sa thải…”, anh H. nói.

Gen Z có phải là thế hệ ‘suy nghĩ quá nhiều’?

Khi đối mặt với các vấn đề trong công việc và cuộc sống, Gen Z thường mắc phải “bệnh overthinking”

UYỂN NHI

Là một người mắc chứng overthinking, anh H. luôn mắc kẹt trong những dòng suy nghĩ rối bời mà đôi khi chính anh là người tự tạo ra nó. Anh bộc bạch, overthinking có lẽ đã trở thành một căn bệnh ở chốn công sở trong thời đại này. Khi được “bắt mạch”, hầu hết bạn bè cùng thế hệ với anh đều cảm thấy lo lắng quá mức khi xảy ra vấn đề.

Đi làm đã khổ, người overthinking đi làm lại còn khổ hơn. Tuy ý thức được điều đó nhưng đến hiện tại, anh H. vẫn chưa thể nào thoát khỏi đống suy nghĩ tiêu cực này. Giờ đây, mỗi ngày đi làm là một nỗi ám ảnh với anh, điều duy nhất để anh bám víu chính là tình cảm, sự động viên của gia đình, bạn bè.

Vượt qua “ma trận” suy nghĩ

Là một người thuộc thế hệ Gen Z, chị Cẩm Quyên (22 tuổi, ở TP.HCM, nhân viên của một công ty truyền thông) cho hay, chị cũng từng vì hội chứng overthinking mà khiến công việc trì trệ. Một sai sót nhỏ cũng làm cho chị Quyên dằn vặt cả tuần, khiến tinh thần làm việc của chị Quyên lúc nào cũng thấy mệt mỏi, chán nản và lo âu.

“Lúc mới đi làm, tôi báo cáo ý tưởng cho sếp. Thay vì thả tim tin nhắn như mọi khi thì sếp chỉ like thôi. Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện suy nghĩ như ý tưởng chưa thuyết phục, tôi làm sai, bản thân là kẻ thất bại. Những suy nghĩ ấy sẽ đeo bám tôi thời gian dài, khiến tôi mất ngủ và stress”, chị Quyên nói.

Chị Quyên chia sẻ thêm, sau khi đi làm việc thời gian dài, được tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, chị nhận thấy mình đã suy nghĩ quá mức. Để bản thân không bị hội chứng overthinking, chị học cách thay đổi suy nghĩ.

Thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, chị Quyên cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Ngoài ra, chị còn chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp để giải tỏa tâm lý và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thay vì lo lắng về những điều trong quá khứ hoặc tương lai, chị Quyên chú tâm vào hiện tại và hoàn thành tốt những công việc đang làm.

Anh Nguyễn Tạ Duy Thiện (32 tuổi, ở TP.HCM, trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm nhân thọ) nói, trong quá trình làm việc với các nhân sự trẻ, anh nhận thấy nhiều Gen Z mắc hội chứng overthinking. “Bệnh overthinking đã khiến các đồng nghiệp trong công ty tôi hiểu lầm nhau. Nó tạo nên môi trường làm việc không thoải mái”, anh Thiện chia sẻ.

Nhận thấy được vấn đề này, anh Thiện cho rằng đôi khi lãnh đạo nên giúp nhân sự tìm lối thoát trong mê cung suy nghĩ. Cấp trên không chỉ là người chỉ huy mà còn tạo ra một không gian an toàn để nhân viên có thể trò chuyện cởi mở và không bị phán xét.

Để làm được điều này, sự đồng cảm, kiên nhẫn và tinh thần lãnh đạo tích cực từ phía quản lý là điều không thể thiếu. Anh Thiện ưu tiên những cuộc đối thoại trực tiếp thân thiện, nơi mà mọi ý kiến được tôn trọng. Sẵn sàng lắng nghe tâm tư, ý kiến của nhân sự; biết khích lệ và động viên nhân viên.

Tuy nhiên, anh Thiện cho rằng người lao động không nên suy nghĩ quá mức những vấn đề nhỏ nhặt mà nên nỗ lực làm việc hết mình, tập trung xây dựng năng lực của bản thân để vững vàng đối diện với mọi tình huống. Như vậy, chúng ta không chỉ xây dựng một môi trường làm việc thoải mái, không độc hại mà còn tạo nên một tổ chức vững chắc và thành công trong tương lai.

Đôi lúc overthinking cũng không hẳn là xấu

Mặc dù overthinking được xem là một vấn đề tiêu cực mà nhiều người đi làm gặp phải. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, overthinking cũng mang đến những “lợi ích” bất ngờ.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (giảng viên khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Overthinking không hẳn là xấu. Nhờ suy nghĩ, chúng ta trở nên thận trọng hơn, sâu sắc hơn, chu đáo hơn. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ quá mức này vượt qua ranh giới thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình. Tất nhiên, nếu lúc nào chúng ta cũng thư giãn, dành thời gian tận hưởng, không có bất kỳ suy tư gì về cuộc sống thì cũng không tốt. Cái gì nằm trong ngưỡng an toàn của nó là tốt nhất, không nên vượt qua ranh giới của nó”.

Là một người thuộc thế hệ trẻ, chị Quỳnh Phương (27 tuổi, ở TP.HCM, nhân viên tại một công ty nước giải khát) nói: “Suy nghĩ kỹ lưỡng giúp chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Hơn thế, khi một người suy nghĩ nhiều về một vấn đề, điều đó cho thấy họ thật sự coi trọng và muốn tìm ra giải pháp tốt nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân và công việc, nơi mà sự quan tâm và trách nhiệm luôn được đánh giá cao. Mặc dù overthinking có thể mang lại một số áp lực tâm lý nhưng khi chúng ta biết cách kiểm soát, nó cũng không quá đáng sợ và tiêu cực như chúng ta thường nghĩ”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi