Các Mẹ Việt Nam anh hùng đã để lại những kỷ vật đơn sơ mà trở thành thiêng liêng, vô giá. Những kỷ vật đó gắn liền với công việc nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong thời mưa bom, lửa đạn.
Những kỷ vật “biết nói”
Mới đây, chúng tôi về viếng thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam). Tại địa điểm này, Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức trưng bày chuyên đề “Kỷ vật – Ký ức của chiến tranh”, trong đó có không gian trưng bày những kỷ vật của Mẹ VNAH. Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, xúc động nói: “Những kỷ vật của các Mẹ VNAH trưng bày ở đây rất giản dị, đơn sơ. Nhưng qua những kỷ vật này, thế hệ hôm nay phải hiểu rằng trong các cuộc chiến tranh đã qua, khắp miền Nam không nơi nào không có hình ảnh người phụ nữ tìm mọi cách đón cán bộ vào nhà, đào hầm bí mật, nuôi dưỡng, che giấu hoặc tiếp tế lương thực, thực phẩm… Chính những kỷ vật trưng bày ở đây “biết nói” lên công việc thầm lặng của các Mẹ VNAH”.
Những kỷ vật “biết nói” đó là chiếc hũ sành của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thoại (sinh năm 1929) ở xã Tam Hiệp, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, dùng muối dưa, cà, đựng gạo tiết kiệm góp sức nuôi quân trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Cũng chiếc hũ sành tương tự, mẹ VNAH Đặng Thị Mực (1931) ở xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, dùng đựng gạo, đậu tiếp tế cho bộ đội. Mẹ VNAH Dương Thị Xa (1917) ở xã Điện Phương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam, dù đã mất, nhưng chiếc nồi đồng và hũ sành mà mẹ dùng để nấu cơm, đựng lương thực nuôi những người con cách mạng dưới hầm bí mật vẫn còn đây.
Kỷ vật từng một thời dùng để nuôi cán bộ, chiến sĩ trong chiến tranh của các Mẹ VNAH miền Nam được Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ mang ra trưng bày tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng cũng giản dị, đơn sơ, nhưng mỗi kỷ vật đều mang một sứ mệnh lịch sử. Chẳng hạn, chiếc mâm đồng của mẹ Nguyễn Thị Bảy (1917) ở Hóc Môn, TP.HCM. Theo hướng dẫn viên, chiếc mâm đồng của mẹ Bảy được gia đình chồng tặng khi mẹ về làm dâu năm 1940. Mẹ từng dùng chiếc mâm này dọn cơm cho những nhà cách mạng lỗi lạc của VN như Lê Duẩn, Võ Văn Tần…. Cạnh đó là chiếc nồi gang của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kẹo (1916), ở TP.HCM, dùng nấu cơm cho bộ đội đánh Đài phát thanh Sài Gòn năm 1968, hoặc nồi nhôm của Mẹ VNAH Huỳnh Thị Xong sử dụng nấu cơm cho những người lính Cụ Hồ…
“Của tin còn một chút này…”
Ai đã từng nghe nhạc phẩm Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hẳn cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người Mẹ VNAH đối với sự nghiệp cách mạng trong từng kỷ vật. Chẳng hạn, chiếc đèn măng xông của bà Đỗ Thị Tỵ, người mẹ có chồng và bốn con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiếc đèn được mẹ Tỵ dùng làm ám hiệu cho lực lượng du kích nhận biết có địch đang lùng để các anh không vào nhà mẹ. Ngoài ra, chiếc đèn còn được thắp sáng cho các anh ở trong hầm bí mật đào trong vườn nhà người Mẹ VNAH này.
Tỉnh Quảng Nam là nơi có nhiều Mẹ VNAH nhất cả nước với tổng cộng 15.332 mẹ đã được phong tặng danh hiệu. Không chỉ để chồng trực tiếp ra chiến trường hoặc nằm vùng hoạt động cách mạng, các mẹ cũng đã tham gia cuộc chiến tranh trường kỳ bằng những việc làm cụ thể. Những kỷ vật của các mẹ được trưng bày tại đây như là “nhân chứng” lịch sử. Chẳng hạn như thùng tiếp đạn của Mẹ VNAH Doãn Thị Đối (1918 – 2017) ở xã Tam Anh Bắc, H.Núi Thành. Đây là chiến lợi phẩm thu được từ quân đội Mỹ sau trận đánh Núi Cỏ, Đức Bố (xã Tam Anh, H.Núi Thành ngày nay), mẹ Đối dùng để lưu giữ tài liệu bí mật của cách mạng và thư từ của chồng con gửi về từ chiến trường. Tương tự, Mẹ VNAH Đặng Thị Hợi (1934) ở xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, dùng thùng tiếp đạn chiến lợi phẩm để đựng gạo tiếp tế cho bộ đội.
Chiếc rương mua từ năm 1968 của Mẹ VNAH Trương Thị Huống (1918) ở xã Quế Xuân II, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cũng dùng đựng thư từ của chồng con và cất giấu tài liệu.
Trong số kỷ vật của Mẹ VNAH Quảng Nam còn có cây đèn dầu “huyền thoại” của mẹ Lê Thị Trị, con gái cả của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (nguyên mẫu của Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng). Mẹ Trị dùng cây đèn dầu để ra ám hiệu cho nhiều cán bộ, chiến sĩ nằm vùng hoạt động cách mạng biết lúc nào có địch hoặc không. Theo đó, thấy ngọn đèn được thắp sáng trên bàn thờ thì địch chưa xuất hiện. Còn khi đèn không được thắp lên là lúc quân địch đang lùng sục.
Nguồn: thanhnien.vn