Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 có thể xác lập kỷ lục mới 380 tỷ USD (vượt kỷ lục 371,3 tỷ USD trong năm 2022).
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có tới 5 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,07 tỷ USD. Tiếp theo là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 3,42 tỷ USD.
Điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,41 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD… Như vậy, riêng kim ngạch tăng thêm của 5 nhóm hàng trên là 16,96 tỷ USD, bằng 68,5% mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Có 6 thị trường và nhóm thị trường xuất khẩu có kim ngạch tăng từ 1 tỷ USD trở lên, gồm Hoa Kỳ tăng 10,7 tỷ USD; Liên minh châu Âu (EU) tăng 3,3 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,6 tỷ USD; ASEAN tăng 2 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD.
Nếu duy trì được kết quả đạt được như 6 tháng đầu năm, năm 2024, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD, thập chí vượt con số này.
Kỳ vọng về thị trường cuối năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024, mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý III và quý IV, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023.
“Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, ông ông Cao Hữu Hiếu nhận định.
Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất nhìn nhận khá tích cực về tình hình thị trường những tháng cuối năm. Đặc biệt với một số ngành có “mùa vụ” thiên về cuối năm như dệt may, da giày, thép… kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành và về đích “đúng hẹn”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế bình luận, hiện nay xuất nhập khẩu đang rất thuận lợi, xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 17%, xuất nhập khẩu thương mại, dịch vụ tăng gần 17%, tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6%.
“Đặc biệt, năng suất lao động 6 tháng đầu năm tăng hơn 6%, một chỉ số mà nhiều năm qua chúng ta không đạt được… Đây là những cơ hội để chúng ta tăng trưởng cao trong năm 2024”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Ở góc độ vĩ mô, dựa trên khảo sát thực tế, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra những kết quả khả quan. Theo đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cho thấy dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 39,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 44% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 45,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 33,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 50,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn