Thị trường phân bón xanh sẽ đạt 3,53 tỷ USD vào năm 2031

Thị trường phân bón xanh sẽ đạt 3,53 tỷ USD vào năm 2031

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường SNS Insider, quy mô thị trường phân bón xanh được định giá 2,15 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 3,53 tỷ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng năm là 5,65% trong giai đoạn 2024-2032.

Theo SNS Insider, thị trường phân bón xanh đã phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây. Điều này được thúc đẩy nhờ ý thức về môi trường ngày càng tăng và nhu cầu cấp thiết về các hoạt động nông nghiệp bền vững. Dự báo cuối năm 2024 sẽ là thời điểm quan trọng để thị trường này hướng tới một giải pháp thân thiện với môi trường hơn, thay thế cho phân bón hóa học truyền thống.

Những động lực thúc đẩy cho sự thay đổi đó có thể kể đến là sự gia tăng hỗ trợ pháp lý đối với canh tác hữu cơ, sự ra đời của nhiều chính sách môi trường toàn cầu và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm lành mạnh hơn. Ví dụ như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” của Liên minh Châu Âu, được triển khai vào năm 2020, vạch ra mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào phân bón tổng hợp và thay vào đó thúc đẩy đầu vào hữu cơ. Theo đó, chính sách này làm tăng việc áp dụng phân bón xanh trên khắp châu Âu.

Điều này càng được thể hiện rõ hơn từ các vòng cấp vốn gần đây, chẳng hạn như khoản 50 triệu USD mà một trong những công ty công nghệ nông nghiệp lớn nhất đã đầu tư để phát triển các loại phân bón dựa trên sinh học tiên tiến.

Phần lớn sự đổi mới này liên quan đến việc giảm lượng khí thải các bon và tăng cường sức khỏe của đất. Những điều này nằm trong các mục tiêu rộng hơn, đó là nông nghiệp bền vững.

Tương tự, các yếu tố khác hình thành nên động lực thị trường là các vấn đề ngày càng gia tăng về suy thoái đất và nhu cầu liên quan đến các giải pháp hiệu quả trong việc phục hồi đất.

Phân bón xanh, bao gồm các loại phân hữu cơ và phân sinh học, được thúc đẩy hơn nữa nhờ các chức năng được cải thiện trong việc nâng cao độ phì nhiêu và kết cấu của đất, đồng thời gây ra tác động môi trường ở mức tối thiểu. Ví dụ, phân bón xanh, chẳng hạn như than sinh học, cải thiện độ phì nhiêu của đất đồng thời thu giữ các bon.

Thêm vào đó, việc người tiêu dùng chuyển sang ưa thích các sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ đã làm tăng nhu cầu về phân bón xanh. Thành thử, phân bón xanh trở thành tâm điểm trong hoạt động của các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xu hướng này được thể hiện rõ qua sự gia tăng các chứng nhận và tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ, chẳng hạn như chứng nhận Hữu cơ USDA ở Hoa Kỳ, giúp thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng phân bón xanh.

Năm 2023, Châu Âu thống trị thị trường phân bón xanh với thị phần khoảng 30% do các chính sách và cam kết bền vững nghiêm ngặt của các chính phủ liên quan đến việc giảm lượng khí thải các bon. Đức, Pháp và Hà Lan là những nước dẫn đầu phong trào này.

Bắc Mỹ cũng là một thị trường đang lên cho phân bón xanh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lại nằm ở Châu Á khi việc sử dụng phân bón xanh vẫn còn chưa mạnh mẽ. Đây sẽ là một điều đáng lưu ý cho các doanh nghiệp nông nghiệp muốn hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Mordor Intelligence, thị trường phân bón hữu cơ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ CAGR là 6,7% trong giai đoạn 2024-2029. Nông nghiệp hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho sản xuất và ứng dụng phân bón hữu cơ. Chính phủ Việt Nam khuyến khích sản xuất và ứng dụng phân bón hữu cơ và có chính sách phát triển phân bón hữu cơ tại Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) năm 2021, trong 3 năm qua, số lượng phân bón hữu cơ đăng ký tăng rất mạnh ở mức 500% trong khi việc sử dụng phân bón tổng hợp đang có xu hướng giảm.

Với khoảng 43% dân số làm nông nghiệp, năng lực sản xuất vẫn chưa bằng 1/5 tổng GDP cả nước và chỉ chiếm khoảng 12,36%. Vì vậy, để ổn định ruộng nông nghiệp, tăng sản lượng nông sản, nhu cầu phân bón hữu cơ ngày càng tăng và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường Phân bón hữu cơ Việt Nam.

Hơn nữa, một số yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng thị trường phân bón hữu cơ ở Việt Nam là nhu cầu về thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng cùng với nhận thức ngày càng tăng về an toàn môi trường khi sử dụng phân bón hữu cơ. Thêm vào đó, sự sẵn có rất lớn của chất thải hữu cơ và những tiến bộ trong quy trình sản xuất phân bón hữu cơ đang tạo cơ hội cho sự phát triển của thị trường này.

Thị trường phân bón hữu cơ Việt Nam còn phân mảnh, chưa có những doanh nghiệp dẫn đầu định hướng thị trường.

“Các xu thế sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần… đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt các chuỗi nông sản đi theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và giảm phát thải”, TS. Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông phát triển nông nghiệp bền vững năm 2024.

Việt Nam đứng trước những cơ hội tươi sáng ở cả thị trường trong nước và quốc tế; tuy nhiên, việc cạnh tranh hiệu quả trong những lĩnh vực này sẽ phụ thuộc vào khả năng của nông dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp các sản phẩm có độ tin cậy và đảm bảo liên quan đến chất lượng, an toàn và tính bền vững, Mordor Intelligence nhận định. 

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024”.

Thời gian: Từ 08 giờ 30 – 11 giờ 30, thứ Ba, ngày 30/07/2024

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị The Adora Dynasty, số 1A Tôn Thất Tùng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM.

Chương trình sẽ tập trung thảo luận về các đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững; Cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng; Tín dụng xanh cho nông nghiệp xanh – Nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh (huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh). Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu; Sản xuất nông nghiệp an toàn, đẩy mạnh xây dựng mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam  nhằm tạo “hộ chiếu” cho nông sản vươn ra thế giới…

Link đăng ký tại đây: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfOSaHySwpvn9Mw-dpOcjYzUO4DEn7OpqpIwQ8Ka6yTKvoOhA/viewform