Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM tổ chức Diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024.

Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM; Ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp; Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở NNNT tỉnh Lâm Đồng; Ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA); Ông Phạm Đình Dũng – Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM; Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM; Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận; Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó GĐ Trung tâm Xúc đầu tư TM và DL Bình Phước; Ông Ngô Xuân Chinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; GS. TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phạm Thanh Duy – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong; Ông Huỳnh Thái Nguyên, PGĐ Công ty Nông nghiệp hữu cơ OAU…

Về phía ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp địa phương, một số doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư.

Những thách thức và giải pháp đối với nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024

Tham luận tại Diễn đàn, ông Ngô Xuân Chinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho rằng, nông nghiệp xanh tạo ra năng suất cao và bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đời sống của người nông dân.

Những thách thức và giải pháp đối với nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Ông Ngô Xuân Chinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp xanh dựa trên tiền đề tôn trọng tự nhiên, với mục tiêu phối hợp giữa lợi ích về kinh tế – xã hội và sinh thái, đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và quản lý, công nghệ số hiện đại tham gia xuyên xuất vào quá trình sản xuất (từ gieo hạt cho đến lúc lên bàn ăn).

Thúc đẩy sản xuất xanh trong nông nghiệp mở ra cơ hội lớn, vừa góp phần nâng cao năng suất, vừa BVMT, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Nói về lợi ích của nông nghiệp xanh mang lại, ông Ngô Xuân Chinh cho rằng, nông nghiệp xanh không chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn là nhu cầu thiết yếu để đối phó với các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu và kinh tế hiện nay.

Thứ nhất, bảo vệ môi trường và giảm tác động khí hậu. Nhờ việc tập trung vào sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác thông minh, nông nghiệp xanh giảm thiểu sự phụ thuộc vào hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu. Từ đó, giúp giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sự cân bằng sinh thái.

Việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân và kỹ thuật quản lý tài nguyên nước hiệu quả cũng giúp giảm lượng nước tiêu thụ, giảm phân bón và bảo vệ nguồn nước ngọt. Đồng thời, nền nông nghiệp này góp phần giảm lượng khí thải nhà kính thông qua hạn chế sử dụng năng lượng không tái tạo và tăng cường quản lý carbon trong đất.

Thứ hai, bảo vệ sức khỏe con người và đa dạng sinh học. Áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ và giảm sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp xanh giúp giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.

Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loài cây, động vật và vi sinh vật, đồng thời bảo vệ, tăng cường đa dạng sinh học trong các khu vực sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, tăng cường năng suất và thu nhập nông dân. Phân bón hữu cơ chứa các vi sinh vật có lợi, kết hợp với kỹ thuật canh tác thông minh và công nghệ hiện đại, giúp tăng cường năng suất cây trồng. Điều này mang lại cơ hội kinh doanh lớn và tiếp cận thị trường cho nông dân. Từ đó tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người trồng trọt và chăn nuôi.

“Mô hình này còn khuyến khích các hoạt động tái chế, chế biến và gia công nông sản để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo ra việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo”, ông Chinh đánh giá.

Thứ tư, đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững. Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững là những lợi ích rất quan trọng. Việc tăng cường năng suất cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cung cấp đủ lượng thực phẩm cho dân số đang gia tăng.

Bằng cách sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, kỹ thuật tiên tiến và quản lý tài nguyên hiệu quả, nông nghiệp xanh giúp tăng cường sự ổn định và đáp ứng nhu cầu lương thực của cộng đồng.

Sử dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến giúp duy trì hoạt động nông nghiệp lâu dài đồng thời không gây thiệt hại đáng kể cho tài nguyên tự nhiên và môi trường. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, ông Chinh cũng chỉ ra những thách thức và giải pháp đề ra đối với nông nghiệp xanh tại Việt Nam. Ông cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và tiêu dùng xanh. Tuy nhiên, đây là một quá trình đầy khó khăn và thách thức đối với việc phát triển này.

Thách thức thứ nhất, nông nghiệp xanh tại Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để gia tăng hiệu quả và hướng đến sự phát triển bền vững:

Thách thức thứ hai, chưa có quy hoạch cụ thể về việc sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…

Thách thức thứ ba, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang hạn chế lớn cho việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung do diện tích canh tác quá lớn.

Thách thức thứ tư, do chưa có khả năng phân biệt sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường, người tiêu dùng còn thiếu tin tưởng và chưa ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ.

Thách thức thứ năm, nạn chế về trình độ, kiến thức khiến người nông dân khó tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thách thức thứ sáu, thói quen và tư duy cũ trong sản xuất như sử dụng quá mức phân bón vô cơ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và trong chăn nuôi – thú y – thủy sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và uy tín sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về giải pháp, theo ông Chinh: Một là, thu hút nguồn lực đầu tư và xây dựng, phát triển kinh tế xanh. Ngành nông nghiệp cần huy động từ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm mục đích tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác với các quốc gia tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ hiện đại.

Đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Để xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp và người dân cần đổi mới tư duy và nhận thức để chủ động thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng xanh.

Ngành nông nghiệp cần tạo đột phá bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành và lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, tận dụng tối đa các ưu thế tự nhiên từ các vùng miền cho việc phát triển nông nghiệp, đảm bảo sự tương tác với môi trường sinh thái.

Những thách thức và giải pháp đối với nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự.

Hai là, chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp. Cần tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ, nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, cácbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Doanh nghiệp đảm bảo có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp cho các hộ gia đình để họ mở rộng quy mô sản xuất.

Việc thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng xanh cần có vốn đầu tư lớn so với sản xuất thông thường. Các phương thức, thủ tục cho vay và thu nợ cũng cần đơn giản, phù hợp với đặc điểm từng loại mô hình.

Ngoài ra, xây dựng nền kinh tế xanh, hình thành nếp sống hài hòa giữa con người và tự nhiên, trước hết, các nhà quản lý và người dân cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tiêu dùng xanh…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường; tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng, miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường

Ba là, ứng dụng Khoa học và công nghệ. Người dân cần được nâng cao kiến thức và kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi thông qua mạng lưới khuyến nông, cập nhật nhanh các mô hình mẫu hiệu quả.

Từ đó giúp họ có thể chủ động trong sản xuất dựa vào những kiến thức của bản thân, tăng tính kết nối. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Bốn là, tiêu thụ nông sản hàng hoá. Để giải quyết vấn đề thị trường này, các địa phương cần tạo dựng vùng sản xuất chuyên canh, có quy mô lớn, được chuẩn hoá với quy trình canh tác chặt chẽ, xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, việc chuyển đổi số cũng giúp khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ. Từ đó truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Đây là yếu tố hàng đầu để định vị nền nông nghiệp xanh cho từng nhóm ngành hàng.

Năm là, chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao từ các yếu tố như thời tiết, khí hiệu, do đó, cần có chính sách bảo hiểm cho ngành nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với người nông dân và tổ chức bảo hiểm. Nhà nước cần đề ra chính sách hỗ trợ tổ chức thực hiện các bảo hiểm nông nghiệp phù hợp.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền về mối liên hệ giữa sản xuất xanh, bảo vệ hệ sinh thái, an toàn và sức khỏe con người, từ đó nâng cao nhận thức và khuyến khích nông dân tích cực tham gia sản xuất xanh; kêu gọi nông dân tham gia HTX và mở rộng phạm vi áp dụng các phương pháp sản xuất xanh, đồng thời, có sự hỗ trợ đặc biệt, giúp các HTX trở thành tổ chức NNX.