VTV.vn – Các nhà máy Trung Quốc chuẩn bị cho “mùa hè khắc nghiệt” khi khảo sát PMI làm tăng rủi ro triển vọng.
Sản xuất u ám và đang chuẩn bị cho một “mùa hè khắc nghiệt”
Ngành sản xuất trì trệ của Trung Quốc đang chuẩn bị cho một “mùa hè khắc nghiệt” khi hai cuộc khảo sát tâm lý trong tuần này cho thấy mức độ u ám mới trong số các chủ nhà máy đang phải vật lộn với nhu cầu thấp, báo hiệu rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2024.
Một cuộc khảo sát của khu vực tư nhân đối với các nhà quản lý mua hàng từ 650 nhà sản xuất tư nhân và nhà nước được công bố vào thứ năm cho thấy điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này đã xấu đi lần đầu tiên sau chín tháng khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.
Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất toàn cầu Caixin/S&P đã giảm xuống 49,8 vào tháng 7 – dưới ngưỡng 50 phân tách tăng trưởng khỏi suy thoái – từ mức 51,8 của tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái và không đạt được dự báo của các nhà phân tích là 51,5.
Cuộc khảo sát bất ngờ này, chủ yếu theo dõi các công ty hướng đến xuất khẩu, diễn ra sau cuộc khảo sát PMI chính thức đối với các công ty lớn hơn, cũng cho thấy lượng đơn hàng giảm và giá yếu.
Cuộc khảo sát của Caixin cho rằng, sự sụt giảm PMI là do lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong một năm, trong khi những người trả lời khảo sát đổ lỗi cho nhu cầu yếu và việc cắt giảm ngân sách của khách hàng.
Dữ liệu phân ngành cho thấy sự sụt giảm trong đơn đặt hàng mới chủ yếu ảnh hưởng đến đầu tư và hàng hóa trung gian, trong khi ngành hàng tiêu dùng có sự tăng trưởng nhẹ vào tháng 7.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy một số nhà sản xuất đã hạ giá bán để hỗ trợ doanh số bán hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Đáng chú ý, Citi Research cho biết, toàn bộ ngành sản xuất có thể đang bước vào một “mùa hè khắc nghiệt” sau khi dữ liệu PMI chính thức ngày 31/7 chỉ ra động lực kinh tế yếu vào tháng 7. “Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng trước có thể đã chậm lại còn 4,8% so với cùng kỳ năm trước từ mức 5,3% trong tháng 6 và giá tại cửa nhà máy có thể đã kéo dài đà giảm”, Citi Research cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Wang Zhe, một nhà kinh tế tại Caixin Insight Group cho hay, những vấn đề nổi bật nhất vẫn là nhu cầu trong nước hiệu quả không đủ và sự lạc quan yếu ớt của thị trường. Đồng thời kêu gọi các nỗ lực chính sách nhằm ổn định tăng trưởng.
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm phát
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không đạt được dự báo tăng trưởng trong quý II và phải đối mặt với áp lực giảm phát, khi doanh số bán lẻ và nhập khẩu kém hơn đáng kể so với sản lượng công nghiệp và xuất khẩu.
Theo thông báo chính thức của cuộc họp thường kỳ của Bộ Chính trị Trung Quốc mới đây, Trung Quốc đã thừa nhận những trở ngại lớn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, cho biết nhu cầu trong nước vẫn “không đủ” và các lĩnh vực chính phải đối mặt với rủi ro và “nguy hiểm” khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang bị thay thế bằng các động lực mới.
Theo các nhà phân tích, giá hàng hoá từ Trung Quốc giảm xuống có thể giúp giải toả bớt áp lực lạm phát ở các quốc gia khác, nhưng cũng đồng nghĩa rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ ngập trong hàng hoá giá rẻ mà các nhà máy Trung Quốc không thể bán được tại thị trường trong nước. Trong trường hợp như vậy, các nhà sản xuất tại các quốc gia khác có thể không thể cạnh tranh được và dẫn tới leo thang căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây.
Để thúc đẩy tiêu dùng, tuần trước Trung Quốc đã công bố rằng khoảng 150 tỷ nhân dân tệ (20,74 tỷ USD) trong số 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn sẽ được dùng để trợ cấp cho việc thay thế các thiết bị gia dụng cũ, ô tô, xe đạp điện và các hàng hóa khác.
Nhu cầu trong nước vẫn “không đủ” và các lĩnh vực chính phải đối mặt với rủi ro
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Caixin, đơn đặt hàng mới nhìn chung không mấy khả quan, đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong tháng 7 song tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đôi chút so với tháng 6.
Người phát ngôn của cơ quan hải quan Lv Daliang cho biết hôm 31/7 rằng, tăng trưởng thương mại của Trung Quốc trong nửa cuối năm đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm rủi ro địa chính trị cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do chủ nghĩa bảo hộ, tình trạng tắc nghẽn vận chuyển và phí vận chuyển tăng cao.
Có thể khẳng định, giảm phát làm gia tăng những thách thức chồng chất mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước của nước này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong cuối năm nay, sau khi đạt mức tăng thuộc hàng yếu nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái nếu không tính những năm đại dịch COVID-19.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng. Các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đang trầy trật vì nhu cầu của các thị trương bên ngoài suy yếu. Thị trường chứng khoán lao dốc và niềm tin sứt mẻ vào nền kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư quốc tế rút vốn.
Thậm chí, rất nhiều oanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc cũng đang cảm nhận rõ ảnh hưởng từ tình trạng giảm phát.
Trước đây, Trung Quốc từng trải qua những giai đoạn giá tiêu dùng giảm, điển hình là vào năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính càn quét châu Á và vào năm 2009 – sau khi bong bóng nợ dưới chuẩn vỡ tung ở Mỹ dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Trong cả hai trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phản ứng bằng cách bơm vốn giá rẻ ồ ạt vào nền kinh tế thông qua hạ lãi suất và nới lỏng cho vay. Nhờ đó, tăng trưởng và lạm phát nhanh chóng quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!