Wednesday, August 7, 2024

Vất vả như chăm trẻ 6 – 18 tháng tuổi

Chứng kiến các cô giáo xoay xở liên tục, các giác quan gần như không phút nào ngơi nghỉ để trông xuể được hơn 20 đứa trẻ hiếu động trong độ tuổi từ 6 – 18 tháng, mới thấy hết sự vất vả, tận tụy, kỹ lưỡng của các cô.

Chiếc xe máy vừa đỗ xịch trước cổng trường, chị Mỹ Hà còn đang lúng túng với cái địu em bé và lỉnh kỉnh ba lô mang theo, các cô giáo Trường mầm non Hoa Hồng (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) đã tới bên, ẵm em bé Kim Ngân giúp chị.
Vất vả như chăm trẻ 6 - 18 tháng tuổi

Cô Lê Thị Hà, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, có nhiều năm chăm trẻ ở nhóm 6 – 18 tháng tuổi

THÚY HẰNG

Kim Ngân được gửi ở Trường mầm non Hoa Hồng từ khi mới 6 tháng tuổi, tới nay bé đã hơn 14 tháng tuổi, rất kháu khỉnh và quấn quýt với các cô giáo. Chị Mỹ Hà làm việc trong một cơ quan nhà nước, luôn thấy may mắn khi có trường mầm non ở gần nhà nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi để chị có thể yên tâm đi làm khi nghỉ hết chế độ thai sản. Trường mầm non Hoa Hồng là một trong những trường mầm non công lập ở TP.HCM giữ trẻ từ khi các bé 6 tháng tuổi.

NHỮNG NGƯỜI MẸ CỦA TRẺ

Cô Lê Thị Hà, 52 tuổi, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, tới nay đã có 30 năm công tác trong ngành chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Từng làm việc tại Q.Gò Vấp một thời gian trước khi chuyển về Q.7, cô Hà đã có nhiều năm được giao phụ trách nhóm trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi và từ 13 – 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, vì nhóm 6 – 12 tháng tuổi thường rất ít trẻ, có khi cả trường chỉ có 1 – 2 trẻ ở độ tuổi này nên các trường thường ghép các trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi trong một nhóm lớp để có thể thuận lợi hơn trong bố trí giáo viên, nhân viên chăm sóc, cơ sở vật chất phục vụ trẻ.

Cô Lê Thị Hà cho hay từ 6 – 18 tháng là độ tuổi mà nhiều trẻ còn bú sữa mẹ, mới rời vòng tay mẹ tới trường nên còn nhiều bỡ ngỡ, các giáo viên phải có rất nhiều kinh nghiệm cũng như sự tận tâm trong ẵm bồng, chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Từng ước mơ làm giáo viên dạy ngoại ngữ bậc THPT nhưng duyên nợ đã đưa tôi đến với nghề giáo viên mầm non. Càng làm nghề, tôi thấy động lực để mình làm tốt nhất công việc này là tình yêu thương trẻ nhỏ”, cô Lê Thị Hà chia sẻ.

Tháng 7.2024, trong thời gian nghỉ hè, nhóm lớp 6 – 18 tháng tuổi trong Trường mầm non Hoa Hồng có 26 trẻ được phụ huynh đăng ký đến trường. Hôm chúng tôi có mặt, có 22 trẻ đi học. Các cô giáo chia lớp thành các nhóm, nhóm chơi ở các góc trong phòng học, nhóm chơi vận động. Các bé ở tuổi này luôn tay luôn chân, bé thì thích đẩy xe tập đi, bé muốn chơi thú nhún, bé lại muốn được leo trèo trên những đồ chơi… Các cô giáo phải kèm trẻ liên tục, tránh nguy cơ trẻ bị ngã.

“YÊU THƯƠNG TRẺ NHƯ CON CỦA MÌNH”

Sau một hồi ẵm bồng, dỗ dành, hướng dẫn trẻ chơi, cô giáo Hoàng Thị Thu Giang, 40 tuổi, giáo viên nhóm lớp 6 – 18 tháng tuổi, lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi. Cô Giang có 3 con nhỏ, rất nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nên nhiều năm nay cùng phụ trách nhóm trẻ ít tháng tuổi nhất ở trường.

Kế bên cô Giang, cô Lê Thị Hà ngồi nghỉ mệt một lúc ở giữa lớp, nhưng tay trái vẫn đang ẵm một bé gái, tay phải ôm một cậu nhóc, ở dưới chân cô còn 2 bé nữa đang đòi đồ chơi. Mồ hôi bết hết trên tóc, cô giáo không có tay nào để lau. Các cô cho hay, bây giờ rất đỡ là trẻ ít khóc hơn, còn nếu tới trường dịp đầu năm học, trẻ mới tới lớp, khóc ra rả cả ngày, các cô phải thay phiên ẵm bồng liên tục trên tay hoặc đưa nôi suốt, nhiều lúc không có thời gian uống nước hay đi vệ sinh.

Giọng thào thào (do bị khàn giọng, viêm họng lâu năm vì bệnh nghề nghiệp), cô Lê Thị Hà nói: “Ai có con nhỏ, chăm một đứa nhỏ ở nhà là biết liền, luôn chân luôn tay luôn mắt. Nhất là khi trẻ ở độ tuổi 6 – 18 tháng rất hiếu động, các bé có thể bỏ đồ gì vào mắt, mũi, miệng thì ngay lập tức mình phải lao đến. Các bé tuổi này cũng dễ tranh giành nhau đồ chơi, cắn bạn, đánh bạn…, nên càng không thể rời mắt khỏi con”. Để ý sẽ thấy, đồ chơi cho trẻ ở độ tuổi này phải là vải, mút xốp mềm; các cuốn sách cho trẻ cũng là sách vải; các giỏ vải để đồ chơi cũng rất thấp, trong tầm với của trẻ.

Cô Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, cho biết chăm sóc trẻ ở độ tuổi nhỏ này không chỉ đòi hỏi giáo viên giàu kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao, mà cần phải nhanh nhẹn, kỹ năng xử trí tốt, biết cách xử trí các tình huống, tránh cho trẻ bị hóc, bị sặc sữa hay cháo.

“Khi đút ăn cũng phải tổ chức cuốn chiếu, nhóm này ăn, nhóm kia chơi. Đến giờ các bé ngủ, 2 cô giáo canh chừng bởi lúc trẻ ngủ là lúc rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Nhóm trẻ ở độ tuổi 6 – 18 tháng cũng được bố trí nhiều giáo viên hơn. Ban giám hiệu mỗi ngày tới thăm lớp mấy lượt, thấy các cô làm không xuể cũng cùng vào giúp đút ăn, ẵm em giùm các cô. Bên cạnh các giáo viên lớn tuổi, lớp luôn có những giáo viên trẻ, để các giáo viên cùng học hỏi, dìu dắt chuyên môn trong nghề”, cô Tú Trinh kể.

Trong phòng học, cô Lê Thị Hà, cô Giang và các giáo viên cùng treo một khẩu hiệu, cũng là thông điệp của tất cả các giáo viên, nhân viên chăm sóc trẻ nơi này: “Yêu thương trẻ như con của mình”. Bởi với các con mình, có mẹ nào dám nề hà những vất vả khi chăm sóc các con, có mẹ nào không mừng vui khi mỗi ngày thấy con khôn lớn? Thấu hiểu điều ấy, các cô giáo đã quen với việc làm hết công suất, bận bịu liên tục từ 6 giờ 30 tới 17 giờ, ai đi làm cũng phải mang mấy bộ đồ, bởi sáng đến trường áo quần tươm tất, tới trưa là đã mồ hôi ướt đầm, trên đầu tóc có khi dính đầy sữa, cháo hoặc cả những bãi nôn của trẻ.

Vất vả như chăm trẻ 6 - 18 tháng tuổi

Các bé ở tuổi này luôn tay luôn chân nên các cô giáo phải kèm trẻ liên tục, tránh nguy cơ trẻ bị ngã

THÚY HẰNG

TUYỂN SINH QUANH NĂM

Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM, phụ trách công tác mầm non, cho biết mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đều có quy hoạch sẵn các trường công và ngoài công lập, lớp mầm non độc lập, tuân thủ đúng Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT có trông giữ trẻ độ tuổi 6 – 12 tháng, 13 – 18 tháng (các trường thường ghép 2 nhóm tuổi này thành một, vì số lượng trẻ ở độ tuổi 6 – 12 tháng thường ít). Tại đó, các giáo viên luôn được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để chăm sóc trẻ tốt, được tập huấn, xây dựng các phương án phối hợp với y tế, các cơ quan ban ngành…

“Cơ sở vật chất trường lớp sẵn sàng, giáo viên phụ trách nhóm lớp 6 – 18 tháng tuổi cũng sẵn sàng chăm sóc trẻ, chứ không phải chờ trẻ tới thì mới đi xây dựng nhóm lớp, tìm giáo viên có đủ chuyên môn. Có thể tháng 9 là khai giảng thì trẻ chưa đủ tháng để đến trường, nhưng tới tháng 11 thì trẻ đủ tháng nên đi học, trường lớp còn đủ khả năng thì tiếp tục tiếp nhận trẻ”, Phó trưởng phòng giáo dục này cho hay.

Hiệu trưởng Trần Thị Tú Trinh cho biết thường với nhóm trẻ 6 – 18 tháng tuổi, Trường mầm non Hoa Hồng tuyển sinh quanh năm. Bởi có trẻ đi học được mấy tuần thì hay sổ mũi, sốt do mọc răng, cha mẹ xót con nên lại để ở nhà, tìm người về nhà chăm; trường sẽ nhận bé khác, tạo điều kiện cho gia đình khác có nhu cầu gửi con…

Địa phương nào cũng có trường lớp mầm non giữ trẻ từ 6 tháng

Tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) nhiều năm qua có Trường mầm non Sơn Ca 14 chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong độ tuổi 6 – 18 tháng.

Tại Q.3 có Trường mầm non Hoa Mai, Trường mầm non 6, Trường mầm non ngoài công lập Ánh Dương, Nhóm trẻ độc lập Ban Mai.

Tại Q.1, cùng nhiều trường công lập khác thì Trường mầm non Bé Ngoan nhiều năm qua luôn được phụ huynh tin tưởng gửi con em từ 6 tháng tuổi.

Tại Q.7 ngoài Trường mầm non Hoa Hồng có Trường mầm non Phú Mỹ, Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, Trường mầm non 19.5 hoạt động hiệu quả các nhóm lớp trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi