VTV.vn – Trong suốt 5 ngày qua, bệnh nhân N.M.L., (67 tuổi, trú tại Phú Thọ) bị sốt cao liên tục 39-40 độ C, sử dụng các biện pháp hạ sốt nhưng không hiệu quả.
Mỗi khi hết thời gian tác dụng của thuốc, cơn sốt quay trở lại. Sau đó, do mệt nhiều, khát nước, môi miệng khô se, ăn uống kém, bệnh nhân quyết định vào Trung tâm Y tế Cẩm Khê (Phú Thọ) điều trị.
Ngoài các triệu chứng như mô tả, thông qua khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có vết loét điển hình tại vùng bìu bẹn, đây là triệu chứng quan trọng trong chẩn đoán và định hướng điều trị, nhưng trong 5 ngày qua, chính bản thân bệnh nhân và những người khác đã bỏ qua triệu chứng này. Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị sốt mò.
Kết quả điều trị đã chứng minh chẩn đoán sốt mò là chính xác. Chỉ sau 24 giờ dùng phác đồ điều trị sốt mò, bệnh nhân đã cắt sốt, người đỡ mệt, ăn uống khá hơn. Đến ngày 2/8, không có cơn sốt nào quay trở lại với bệnh nhân.
Sốt mò là bệnh lý do ấu trùng mò đốt gây ra, bệnh gây các triệu chứng như: Sốt liên tục ≥38 – 40 độ C, nếu không điều trị có thể kéo dài 15-20 ngày, trong khoảng 1-2 ngày đầu thường có biểu hiện sốt rét run, kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ.
Bệnh nhân có nốt loét đặc trưng của sốt mò: thường chỉ có một nốt loét hình tròn hoặc bầu dục ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…; vết loét không gây đau, không ngứa; có tới 65 – 80% các trường hợp sốt mò có nốt loét này.
Hạch và ban dát sẩn: Hạch gần khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, xuất hiện cùng với triệu chứng sốt hoặc sau sốt 2 – 3 ngày, đây là dấu hiệu để bác sĩ tìm nốt loét. Sau 1 tuần có thể xuất hiện các ban dát sẩn toàn thân.
Nếu được chẩn đoán và điều trị với kháng sinh thích hợp, bệnh nhân sẽ sớm cắt sốt, trường hợp để lâu, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não – màng não. Do đó, khi người bệnh sốt không rõ nguyên nhân hoặc sốt cao, cần đến cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời.