Wednesday, November 27, 2024

Thể thao Việt Nam làm gì sau Olympic 2024?

Còn 2 VĐV nữa là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Hương chưa thi đấu tại Olympic 2024, nhưng đến thời điểm này, thể thao VN cũng đã có nhiều bài học quý khi việc giành huy chương hay phấn đấu vượt qua chính mình là điều không hề dễ dàng.

ĐẦU TƯ SÂU HƠN CHO BẮN SÚNG

Thực tế ở Olympic cho thấy chỉ có bắn súng là môn thể thao mà VN có thể tiếp cận được gần với huy chương nhất. Đây cũng là môn mà trình độ xạ thủ VN không hề thua kém bất cứ VĐV nào của các nước. Sự chênh lệch nếu có cũng chỉ trong tích tắc về tâm lý thi đấu hoặc bản lĩnh ở những thời điểm quyết định. Trong 2 nội dung súng ngắn nữ, Trịnh Thu Vinh đều chơi rất tốt ở vòng loại và cũng suýt có huy chương ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nếu như chính xác hơn một chút ở chung kết.

Thể thao Việt Nam làm gì sau Olympic 2024?

Trịnh Thu Vinh hai lần vào chung kết 

Trưởng đoàn thể thao VN Đặng Hà Việt khẳng định, bắn súng vẫn sẽ là môn thể thao mũi nhọn, được ưu tiên đầu tư mạnh hơn sau Olympic. Với vai trò là Cục trưởng Cục TDTT, ngay tại Olympic Paris, ông Việt đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Bắn súng thế giới tại Pháp, và đề nghị phía bạn hỗ trợ chuyên gia, trang thiết bị, đạn, địa điểm tập huấn… Ở cuộc làm việc khác với Chủ tịch và Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Hàn Quốc, VN cũng nhờ giúp đỡ về các đợt tập huấn thường xuyên, dài hạn để VĐV VN có sự chuẩn bị tốt nhất cho 4 năm tới tại Olympic Los Angeles (Mỹ).

Ngoài súng ngắn, nội dung liên quan súng trường hơi nữ cũng được chú trọng cho dù thành tích của Lê Thị Mộng Tuyền tại Olympic 2024 chưa tốt, chưa thể vượt qua vòng loại. Súng trường hơi nữ vẫn là môn mà VN có tiềm năng nhưng cần có thêm chuyên gia riêng biệt, trước mắt là nhắm đến có huy chương tại ASIAD Nagoya (Nhật Bản) năm 2026 và phải tiếp cận được huy chương tại Olympic 2028.

Thể thao Việt Nam làm gì sau Olympic 2024?

Ánh Nguyệt lần thứ hai dự Olympic

Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Cục TDTT, cho biết ngành thể thao sẽ cùng các địa phương cố gắng tìm thêm nguồn nhân lực mới cho bắn súng. Hệ thống thi đấu cho các lứa tuổi cũng phải được xây dựng lại phong phú hơn, để phát hiện thêm tài năng. Bên cạnh đó, ngành thể thao sẽ kiến nghị với một số bộ, ngành có liên quan, điều chỉnh chế độ đãi ngộ cho VĐV.

Về môn bắn cung, việc cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt chỉ thua suýt soát đối thủ người Iran bằng “mũi tên vàng” ở vòng đấu loại trực tiếp tại Olympic 2024 cho thấy sự tiến bộ đáng khen của cô gái 23 tuổi trong lần thứ hai dự Thế vận hội. Thầy của Ánh Nguyệt, chuyên gia người Hàn Quốc Park Chae-soon, sẽ tiếp tục được tin tưởng để đào tạo thêm cho VN những cung thủ có năng lực cạnh tranh ở đấu trường quốc tế. Thành công tuyệt đối của các cung thủ Hàn Quốc khi giành HCV ở cả 5 nội dung tại Olympic sẽ càng thúc đẩy VN tiếp tục duy trì quan hệ với bắn cung Hàn Quốc thông qua vị chuyên gia này. Bắn cung VN có thể nhắm đến huy chương ASIAD 2026, tạo đà cho Olympic 2028.

TÍNH TOÁN LẠI CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Thất bại của VĐV VN ở các môn điền kinh, bơi, đua thuyền rowing, cầu lông, quyền anh hay xe đạp một lần nữa minh chứng cho khoảng cách trình độ còn rất xa với thế giới. Điều đó càng đòi hỏi ngành thể thao phải cải tổ nhiều thứ, tính toán lại chiến lược phát triển. Dứt khoát phải có sự thay đổi về kế hoạch đào tạo, tập huấn, tiền của để hướng đến Olympic 2028.

Thể thao Việt Nam làm gì sau Olympic 2024?

Huy Hoàng thua chính mình

REUTERS

Ngành thể thao cũng sẽ phải quyết liệt hơn để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp giúp VĐV VN không chỉ đủ sức vượt qua chính mình mà phải có được chiến thắng nhiều hơn ở đấu trường quốc tế. Trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là ví dụ tiêu biểu. Cần có phân tích chuyên sâu để làm rõ tại sao Hoàng lại không thể đạt được điểm rơi phong độ. Hai nội dung thi đấu tại Olympic lần này, Hoàng đều không vượt qua được thành tích của bản thân. Thể thao VN phải xây dựng được một kế hoạch tổng thể để nâng tầm các môn cơ bản cho chiến dịch Olympic 2028. 

TRỊNH VĂN VINH VÀ HY VỌNG MONG MANH

20 giờ ngày 7.8, Trịnh Văn Vinh sẽ thi đấu chung kết hạng cân 61 kg môn cử tạ. Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh như Li Fabin (Trung Quốc), Morris Hampton Miller (Mỹ), Sergio Massidda (Ý), Eko Yuli (Indonesia), Ceniza John Febuar (Philippines)… 

Thể thao Việt Nam làm gì sau Olympic 2024?

Trịnh Văn Vinh

Hiểu rõ sức mạnh của các đối thủ, Vinh cho biết sau thời gian tập huấn ở Trung Quốc cũng như hồi phục chấn thương ở lưng và gối, anh sẽ phấn đấu hết sức tại Olympic Paris. Mục tiêu cụ thể mà lực sĩ 29 tuổi này đặt ra là vượt qua thành tích tốt nhất của bản thân (294 kg). Theo tính toán của Vinh, để có thể vào tốp tranh huy chương hạng cân này, VĐV phải chinh phục thành công cột mốc 300 kg.

Hoàng Lê

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img