Trước xu thế phát triển bền vững, trong định hướng thu hút đầu tư, Bắc Ninh hạn chế ngay từ đầu những ngành nghề gây ô nhiễm, đẩy mạnh thu hút các ngành nghề công nghệ cao, thông minh trong quản lý vận hành.
Theo đó, Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào thế mạnh có sẵn; đồng thời “coi doanh nghiệp như những người bạn” để đồng hành phát triển cùng kinh tế địa phương.
Từ những khác biệt về tư duy…
Bắc Ninh là mảnh đất giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng mà các địa phương khác ít có được. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân, khi đánh giá về thu hút đầu tư cần nhìn nhận, xâu chuỗi cả quá trình phát triển, nhất là sau 27 năm tái lập tỉnh, 36 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài 1987, bởi trong mỗi giai đoạn, Bắc Ninh có sự linh hoạt điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, có những quyết sách mang tính đột phá riêng.
Cụ thể, khi mới tái lập, Bắc Ninh là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, quy mô ngành công nghiệp rất nhỏ, tổng sản phẩm GRDP mới đạt 2.020 tỷ đồng và đóng góp không đáng kể (0,64%) vào GDP cả nước…
Nhận thức rõ những hạn chế, khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế nên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, chủ động cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên các vị trí thuận lợi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các khu công nghiệp…
Thực hiện chính sách “trải thảm đỏ”, hướng mạnh đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những định hướng thu hút đầu tư phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Chẳng hạn như giai đoạn 1997-2010 là những năm định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu, Mỹ,… nhằm xây dựng nền tảng. Đến năm 2010, quy mô GRDP đã đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,8% GDP cả nước.
Đến giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước và cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI đã tạo đà để Bắc Ninh “tăng tốc”. Đến năm 2021, quy mô GRDP đã tăng lên 227,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước.
Đặc biệt, nhìn vào những nỗ lực, những hoạt động cụ thể của lãnh đạo tỉnh trong xúc tiến đầu tư và con số 2.347 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 27,673 tỷ USD; 1.576 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 267,455 nghìn tỷ đồng đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện nay, có thể thấy rằng dòng vốn đổ vào Bắc Ninh có sự tăng trưởng nhanh và ổn định và khẳng định tư duy đổi mới của các thế hệ lãnh đạo tỉnh là đúng đắn và đã đi đúng hướng.
… cho đến thu hút có chiều sâu
Khi đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho các nhà đầu tư rót vốn, Bắc Ninh từng bước chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh chỉ chấp nhận những dự án FDI chất lượng cao, tạo tác động lan toả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề. Dù đã trải qua nhiều thời kỳ nhưng với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Bắc Ninh đều là công dân của Bắc Ninh”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp.
Đặc biệt, tỉnh dần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư; tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp… Nhờ đó, môi trường đầu tư và kinh doanh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Bên cạnh đó, theo Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc, để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, Bắc Ninh đã xây dựng các đề án thu hút “đại bàng” với sức mạnh về tài chính, công nghệ, thị trường rộng lớn và đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể.
Đồng thời, tỉnh duy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Với sự vào cuộc sát sao này đã tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư dự án mới hoặc mở rộng quy sản xuất tại đây.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực và sẽ tạo bước nhảy vọt trong tương lai về năng suất lao động – một trong những yếu tố quan trọng giúp Bắc Ninh thu hút được các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao từ các tập đoàn đa quốc gia.
Thời gian tới, để đạt và vượt chỉ tiêu thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh tất cả các địa phương đều đang chuyển động cải thiện môi trường đầu tư, Bắc Ninh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cùng với đó, tỉnh đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, chủ động lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng; sẵn sàng tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư với kết cấu hạ tầng đồng bộ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn