Thái Hàng là dãy núi hiểm trở trải dài khoảng 400km qua các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam của Trung Quốc. Nếu có dịp qua đây, người ta sẽ bắt gặp những đoạn đường cheo leo xuyên qua vách núi. Và càng kinh ngạc hơn khi biết những con đường này được đào hoàn toàn bằng sức người.
Tích Nhai Câu (Xiyagou) là con đường có khối lượng xây dựng lớn nhất, thời gian dài nhất và cũng hoành tráng nhất.
Người dân địa phương đã làm tới 7 con đường treo xuyên núi trên dãy Thái Hàng thuộc địa phận 2 tỉnh Hà Nam và Sơn Tây. Trong đó, con đường do hơn 900 người dân của thôn Tích Nhai Câu ở tỉnh Sơn Tây xây dựng trong suốt 30 năm được mệnh danh là “kỳ tích trần gian”.
Theo anh Dương Dương, Bí thư chi bộ thôn Tích Nhai Câu, ngôi làng này vốn có địa hình hiểm trở, phức tạp, bốn bề núi cao, vực sâu. Từ cả nghìn năm nay, người dân trong làng gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sau giải phóng, họ cũng khao khát có một cuộc sống mới, nhưng môi trường sống khép kín khiến họ không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Không muốn bị tách biệt, vào những năm 1960, người dân Tích Nhai Câu đã tuyên chiến với rừng sâu núi thẳm. Sau 30 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng những phương pháp thô sơ nhất và công cụ đơn giản nhất, họ đã đào được một con đường ngoằn ngoèo dài 7,5 km.
Anh Dương Dương cho biết, ông nội và cha anh là những thế hệ đi trước đã tham gia vào việc đào con đường xuyên qua vách đá cheo leo dựng đứng này. “Trên dãy núi Thái Hàng có tất cả 7 con đường xuyên núi, trong đó Tích Nhai Câu là tiêu biểu nhất, xây dựng sớm nhất, khối lượng công việc khổng lồ và là đoạn đường xấu nhất.”
Quá trình khoét núi xây đường trải qua 3 lần thất bại. Lần đầu người dân đào được một đoạn đường nhỏ mà chỉ những ai bạo gan lắm mới dám đi qua. Họ thử đưa đàn lợn ra ngoài, nhưng 13 trong số 27 con đã chết vì rơi xuống vực. Lần thứ hai, người dân trong làng đổi hướng. Tuy nhiên, khi làm được một nửa thì không tiến lên được nữa, thay vào đó lại dụ sói vào làng. Đến lần thứ ba, họ thử khoét một cái hang để thông ra ngoài, nhưng được trăm mét lại không thể đưa được đất đá ra, đến khói cũng không thoát ra được.
Đến năm 1982, chính quyền địa phương đã quyết định mời các kỹ sư lập một phương án xây đường táo bạo và sáng tạo, dựa vào thế núi, khoét dọc vách đá. Người dân trong làng cùng tập thể đã góp công góp của, thậm chí đem văn phòng thôn ra làm tài sản thế chấp để vay tiền xây đường. Phải sau 10 năm, tức năm 1992, con đường mới chính thức thông với bên ngoài.
Nhờ có con đường này, thôn Tích Nhai Câu ngày nay đã không còn khó khăn như trước. Người dân trong làng bắt tay làm du lịch. Anh Dương Dương cho biết thêm: “Chúng tôi đã mời một đội ngũ chất lượng cao của Viện Thiết kế và Quy hoạch Đô thị Trung Quốc đến làng hỗ trợ lập quy hoạch tổng thể và tạo nên một loạt hình thức kinh doanh như thị trấn nước, trung tâm du khách, lễ hội và homestay trong làng. Nếu bạn đã từng đến đây, so sánh sẽ thấy, 4, 5 năm trở lại đây, Tích Nhai Câu đã thay da đổi thịt. Hiện nay, thu nhập ròng bình quân đầu người hàng năm của chúng tôi đã đạt hơn 50.000 nhân dân tệ (gần 7.000 USD)”.
Năm 2009, đường xuyên núi Tích Nhai Câu được đưa lên vị trí đầu bảng trong danh sách những con đường nông thôn tiêu biểu trên “Bản đồ đường bộ Trung Quốc”. Năm 2011, con đường này được chọn là một trong 60 địa danh biểu tượng mới của Trung Quốc. Giờ đây, đường Tích Nhai Câu đã trở thành một điểm du lịch và là biểu tượng của ý chí và nghị lực mà người dân địa phương gọi là “tinh thần Tích Nhai Câu”.
Nguồn: vov.vn