Friday, August 9, 2024

Thiếu giáo viên, loay hoay ‘giật gấu vá vai’

Thanh Hóa và Nghệ An nhiều năm qua chỉ xếp sau Hà Nội về việc thiếu giáo viên. Có thời điểm, riêng tỉnh Thanh Hóa thiếu đến hơn 14.000 giáo viên, gây không ít khó khăn cho công tác dạy và học.

“VẬT VỜ” PHẬN GIÁO VIÊN HỢP ĐỒNG

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Thanh Hóa, kết thúc năm học 2023 – 2024, tỉnh này đang thiếu hơn 10.000 giáo viên (GV), và dù mới được phân bổ chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu hợp đồng nhưng để tuyển dụng được đủ số GV còn thiếu không phải dễ. Trong khi đó, hàng trăm GV nhiều năm qua vẫn đang “vật vờ” theo đuổi nguyện vọng trở thành viên chức ngành giáo dục.

Cô L.M, một GV dạy môn lịch sử cấp THCS ở một trường thuộc H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa), than thở: “Đến nay đã 12 năm kể từ ngày ra trường tôi sống “phận” GV hợp đồng, với đồng lương hiện tại chưa đầy 4 triệu mỗi tháng. Vừa rồi tôi có thử sức thi tuyển nhưng không trúng tuyển, nên đành tiếp tục làm GV hợp đồng chờ kỳ tuyển dụng tiếp theo”.

Thiếu giáo viên, loay hoay 'giật gấu vá vai'

Thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là vấn đề “nóng” chưa biết đến khi nào mới kết thúc

MINH HẢI

Trường hợp cô giáo L.M không phải cá biệt, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hàng trăm người sống “phận” GV hợp đồng với cấp xã rồi cấp huyện như vậy, có những người phải trả giá cả 10 năm, thậm chí 20 năm sau mới được tuyển dụng.

ĐƯỢC GIAO BIÊN CHẾ NHƯNG KHÔNG THỂ TUYỂN DỤNG

Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu biên chế cho địa phương ngày càng nhiều hơn, các tỉnh cũng giao chỉ tiêu tuyển dụng GV theo dạng hợp đồng nhiều hơn nhằm sớm chấm dứt tình trạng thiếu GV, nhưng lại đang tồn tại nhiều nghịch lý khiến vấn đề thiếu GV vẫn chưa hết “nóng”. Đơn cử ở tỉnh Thanh Hóa, khi được giao chỉ tiêu biên chế, hoặc giao chỉ tiêu tuyển dụng theo dạng hợp đồng (theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ) thì nguồn tuyển dụng (thí sinh dự tuyển) lại hạn chế. Mặt khác, các địa phương lại phải thực hiện tinh giản biên chế nên không dám tuyển dụng tất cả chỉ tiêu được giao. Phần GV thiếu trước đây chưa kịp bù thì tình trạng thiếu GV lại càng thiếu, khi trung bình mỗi năm địa phương như Thanh Hóa tăng từ 15.000 – 20.000 học sinh, đồng nghĩa nhu cầu GV phải tăng theo.

Ông Đoàn Văn Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hoằng Hóa, cho biết từ năm 2023 đến tháng 8, UBND tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu biên chế GV cho huyện này là 191, nhưng vì thực hiện tinh giản biên chế, nên huyện chỉ tuyển dụng 175 chỉ tiêu, và đã tuyển được 173 GV. Đối với tuyển dụng GV hợp đồng theo Nghị định 111, ông Khoa cho biết H.Hoằng Hóa vừa thông báo tuyển 303 chỉ tiêu, nhưng việc tuyển dụng sẽ rất khó khăn do không có nguồn để tuyển, đặc biệt là GV bậc tiểu học, GV tin học…

Thiếu giáo viên, loay hoay 'giật gấu vá vai'

Tỉnh Nghệ An đang thiếu 6.721 giáo viên cho năm học tới

KHÁNH HOAN

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học 2024 – 2025, Nghệ An có hơn 860.000 học sinh với 1.418 trường học ở 4 cấp học, tăng 291 lớp ở bậc THCS và THPT. Năm học tới, chiếu theo định mức biên chế của Bộ GD-ĐT, số lượng GV biên chế của tỉnh Nghệ An đang thiếu 6.721 biên chế. Mặc dù đầu năm nay, Nghệ An đã được T.Ư bổ sung 2.187 GV biên chế và các huyện đang thực hiện tuyển dụng số GV này, nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, GV biên chế vẫn đang thiếu trầm trọng.

Để có nguồn bổ sung, ngày 13.6 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các cơ quan T.Ư đề nghị bổ sung cho tỉnh 6.501 GV biên chế cho năm học tới; trong đó bậc mầm non là 1.688 GV, tiểu học 2.692 GV, THCS 1.795 GV và bậc THPT 326 GV.

2 năm vừa qua, Nghệ An đã được T.Ư bổ sung 5.056 GV, nhưng do số lượng học sinh tăng nhanh trong các năm gần đây nên kéo theo việc thiếu GV. Một nghịch lý đang xảy là mặc dù thiếu GV, nhưng một số huyện đang phải thực hiện tinh giản biên chế viên chức GV theo lộ trình (giảm 10% giai đoạn 2022 – 2025) nên không dám tuyển dụng GV. Ngoài ra, việc thiếu, thừa cục bộ GV ở các bộ môn ở bậc THCS đang khiến các địa phương khó khăn trong việc bố trí GV đứng lớp phù hợp chuyên môn.

Hiện tại, các huyện ở Nghệ An đang tuyển dụng 2.187 GV biên chế mà T.Ư đã phân bổ từ đầu năm nay. Đây cũng là cơ hội cho các sinh viên sư phạm mới ra trường và những GV dạy hợp đồng từ nhiều năm qua.

Bà Trần Thị Ánh Tuyến, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Lộc (Nghệ An), cho biết năm học tới huyện thiếu 239 GV và vừa được tỉnh phân bổ 186 suất biên chế cho bậc mầm non và tiểu học. Bậc THCS đang xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở các môn học, và 13 năm qua H.Nghi Lộc không có chỉ tiêu tuyển dụng nào cho bậc học này.

Theo ông Nguyễn Cao Thanh, Trưởng phòng Nội vụ H.Thanh Chương, mặc dù thiếu GV ở bậc mầm non và tiểu học, nhưng khi được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng, huyện “rón rén” trong tuyển dụng vì phải tính toán để đảm bảo tinh giản 10% số lượng viên chức GV tính đến năm 2025. Một khó khăn khác là thiếu GV ở bậc mầm non và tiểu học nhưng huyện này đang dư hơn 100 GV ở THCS.

“Nếu không đủ GV cho các bậc học trong năm học tới, huyện phải tiếp tục thực hiện biệt phái GV bậc THCS về dạy tiểu học”, ông Thanh cho hay.

KHÓ KHĂN TÌM NGUỒN TUYỂN

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, việc giải bài toán thiếu GV cho năm học tới là không hề dễ dàng. Sở GD-ĐT Nghệ An đã lập 3 phương án để chỉ đạo các phòng GD thực hiện nhằm đảm bảo chương trình học cho các trường thiếu GV.

“Các trường sẽ phải vận động GV dạy thêm tiết nhưng không nhận thù lao hoặc nhận số tiền tượng trưng để bù cho GV bị thiếu. Với các môn thiếu GV như tin học, tiếng Anh, các trường sẽ cử một số GV đi học bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ về đứng lớp dạy các môn này. Các GV ít tiết dạy sẽ phải bố trí dạy liên trường, thậm chí liên huyện. Ngoài ra, các trường thiếu GV tự chủ động lập kế hoạch để đảm bảo chương trình”, ông Hoàn nói.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết năm 2024 tỉnh Thanh Hóa là địa phương được Bộ bổ sung biên chế số lượng GV nhiều nhất cả nước, với 2.700 chỉ tiêu. Ngoài ra, HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quyết định cho phép tuyển dụng 3.800 GV hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ. Đến đầu tháng 8, các địa phương đã tuyển được khoảng hơn 3.000 GV, số còn lại đang tiếp tục tuyển dụng.

Cũng theo ông Thức, nếu tuyển dụng đủ 6.500 GV trong năm 2024 thì phần nào giải quyết bớt vấn đề thiếu GV, nhưng không dễ để tuyển dụng đủ, vì thực trạng hiện nay nhiều địa phương khó tìm nguồn tuyển. Do đó, để có nguồn tuyển, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã đặt hàng 2 trường ĐH có đào tạo GV trên địa bàn, và dự kiến từ năm 2025 nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi