Monday, August 12, 2024

Bao giờ ĐBSCL hết thiếu giáo viên?

Dù đã linh hoạt áp dụng các giải pháp như thi tuyển, hợp đồng, ban hành chính sách đãi ngộ… nhưng nhiều tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chưa giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.

KHÓ TUYỂN DỤNG

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết năm học 2024 – 2025, tỉnh này thiếu 443 giáo viên (GV) ở các môn: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học. Mặc dù tỉnh còn dư biên chế nhưng lại không có GV ứng tuyển. Về nguyên nhân, theo bà Hằng, do các tỉnh khác cũng có nhu cầu tuyển dụng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Hơn nữa, luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn GV cấp mầm non đến THCS có tăng lên so với trước. Trong khi đó, công tác đào tạo GV chưa đáp ứng kịp nhu cầu của cả nước.

Tại tỉnh Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết tỉnh hiện thiếu hơn 600 GV ở các cấp học, nhiều nhất là mầm non và tiểu học. Nguyên nhân là khi thực hiện chương trình GDPT năm 2018, việc lựa chọn môn học của học sinh dẫn đến tình trạng thừa – thiếu GV cục bộ ở một số môn học cấp THCS và THPT. Cụ thể, các môn học thiếu GV là âm nhạc, mỹ thuật, tin học.

Tương tự, ông Đỗ Văn Tuân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết theo định mức biên chế, năm học 2024 – 2025 Phú Quốc thiếu 141 GV các cấp. Đơn vị đang phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND TP.Phú Quốc xây dựng kế hoạch gửi Sở Nội vụ Kiên Giang tổ chức tuyển dụng để có đủ GV phân bổ cho các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu thi tuyển viên chức xong, đến khi có GV phân bổ về các trường chắc chắn sẽ không kịp cho việc giảng dạy từ đầu năm học 2024 -2025, bởi người trúng tuyển phải làm một số thủ tục tốn khá nhiều thời gian. Trước tình hình này, ngành giáo dục Phú Quốc cho phép các trường chủ động tuyển dụng GV dạy hợp đồng để đảm bảo công tác dạy học của đơn vị.

Bao giờ ĐBSCL hết thiếu giáo viên?

Giáo viên tại Trường THPT Long Xuyên, TP.Long Xuyên, An Giang. Tỉnh này đề nghị bổ sung 1.044 biên chế giáo viên năm học 2024 – 2025

TRẦN NGỌC

Tại An Giang, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh, vừa báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung 1.044 biên chế GV năm học 2024 – 2025; trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học và mầm non. Nguyên nhân là một số huyện đang thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức trong năm 2024. Trong khi đó, năm học 2023 – 2024, ngành GD-ĐT chưa tuyển dụng được số lượng biên chế do các đơn vị phải xây dựng (điều chỉnh) đề án vị trí việc làm theo quy định. Một số GV, nhân viên nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác khác. Nguồn tuyển dụng viên chức không đáp ứng đủ số lượng nhu cầu…

ĐẦU TƯ NHIỀU VẪN KHÓ TUYỂN

Thời gian qua, Sở GD-ĐT Trà Vinh và các địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng chưa đáp ứng kế hoạch do số lượng hồ sơ đăng ký tuyển dụng ít, không đảm bảo số lượng theo chỉ tiêu tuyển dụng; đặc biệt ở cấp học mầm non, tiểu học.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, nhiều sinh viên mới ra trường có nguyện vọng và nhu cầu cá nhân nên việc nộp hồ sơ tuyển dụng chưa đảm bảo. Riêng việc GV hợp đồng tại các cơ sở giáo dục thực hiện không khả thi do nguồn tuyển GV còn không đảm bảo về số lượng nên số GV hợp đồng cũng rất hạn chế.

Tháng 7.2022, Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù thu hút GV ở 4 môn học âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/GV, với điều kiện cam kết giảng dạy trên địa bàn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ tỉnh khác về. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, tỉnh mới thu hút được 66 GV. “Các tỉnh thiếu GV nên đều tuyển dụng. Còn SV mới ra trường rất đông, nhưng lại khó tìm được chỗ dạy vì các em học môn mà nhu cầu các trường không thiếu”, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng chia sẻ.

Bao giờ ĐBSCL hết thiếu giáo viên?

Tỉnh Hậu Giang còn biên chế giáo viên nhưng không có người ứng tuyển

THANH DUY

Trước mắt, Hậu Giang phải tính đến chuyện hợp đồng GV. Nhu cầu của tỉnh trong năm học 2024 – 2025 là 252 GV và 380 nhân viên. Chủ trương hợp đồng đã được nghị quyết HĐND thông qua với tổng kinh phí thực hiện hơn 46 tỉ đồng. Trước đó, sở đã thống nhất với UBND các huyện thực hiện điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu với 156 biên chế GV. Riêng GV 2 môn âm nhạc và mỹ thuật, Sở chỉ đạo các trường THPT có thể hợp đồng, thỉnh giảng đối với các GV có trình độ đại học đang giảng dạy tại các trường THCS trong tỉnh; hoặc phân công giảng dạy trực tiếp nếu trường có 2 cấp học THCS và THPT có sẵn lực lượng GV này.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết đội ngũ GV ở địa phương có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 95,76%. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho GV đi đào tạo nâng chuẩn hơn 3 tỉ đồng. Song song đó là xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho GV và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Với việc đầu tư và tình trạng thiếu GV chưa giải quyết được, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét, không thực hiện chủ trương giảm biên chế 10% viên chức ngành giáo dục theo lộ trình.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi