Monday, August 12, 2024

Cần nhiều giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà

Lợi ích của nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà đã quá rõ ràng như giảm chi phí điện năng và tăng tính tự chủ về năng lượng, nhưng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thì cần kết hợp nhiều giải pháp.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Trí Cường – CEO Công ty Thương mại và Kỹ thuật Powertech với Diễn đàn Doanh nghiệp.

– Thưa ông, doanh nghiệp sản xuất gặp thuận lợi và khó khăn gì khi chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà cho kinh doanh, sản xuất?

Mặc dù lợi ích từ việc sử dụng nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà đã quá rõ ràng, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp trở ngại khi đầu tư, lắp đặt. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, có thể kể đến vài nguyên nhân sau:

Một là, chi phí đầu tư ban đầu cao, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu khá lớn, bao gồm chi phí mua thiết bị, lắp đặt, và bảo trì. Dù có các chính sách hỗ trợ tài chính, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính để thực hiện. Mặt khác nếu phải huy động đòn bảy tài chính, thì doanh nghiệp cũng khó khăn trong tiếp cận vốn.

Cần nhiều giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà

Ông Phạm Trí Cường – CEO Công ty Thương mại và Kỹ thuật Powertech.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Quy trình xét duyệt và điều kiện vay vốn từ các ngân hàng cũng phức tạp và tốn thời gian cho doanh nghiệp tiếp cận.

Hai là cơ chế chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp còn thiếu thông tin để đầu tư. Ngoài ra không ít doanh nghiệp còn thiếu cả về thông tin và hiểu biết về công nghệ điện mặt trời, các chính sách hỗ trợ, cũng như lợi ích dài hạn của việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, điều này dẫn đến sự do dự và thiếu quyết tâm trong việc đầu tư.

Ba là, quy trình phê duyệt và thủ tục pháp lý phức tạp: Các thủ tục pháp lý và quy trình phê duyệt dự án điện mặt trời có thể khá phức tạp và tốn thời gian, doanh nghiệp cần phải tuân thủ nhiều quy định và yêu cầu từ các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn, dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án.

Bốn là, chất lượng và bảo trì hệ thống: Việc chọn lựa nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ lắp đặt uy tín là một thách thức. Chất lượng hệ thống và dịch vụ hậu mãi (bảo trì, bảo dưỡng) không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời không cao như cam kết.

Năm là biến động về chính sách, sự thay đổi về chính sách hỗ trợ và giá điện bán lẻ có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần sự ổn định và minh bạch trong chính sách để có thể lên kế hoạch đầu tư dài hạn.

Do vậy, để tháo gỡ các rào cản này đòi hỏi có sự chỉ đạo từ Chính phủ xuống các Bộ, ngành; sự hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững cho phát triển ĐMTMN tại Việt Nam

Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được điều chỉnh hoàn thành. Là doanh nghiệp tham gia thị trường, ông thấy còn có những điểm nào cần đề xuất?

Tôi cho rằng cần điều chỉnh để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, vì đối tượng sử dụng đa phần là các doanh nghiệp SME, do đó theo phân tích ở trên thì sử dụng ĐMTMN cần nhất là sự hỗ trợ về tài chính và tiếp cận vốn.

Cần nhiều giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà

Dự án điện mặt trời mái nhà cho Công ty đa quốc gia (Hà Lan) do Powertech thi công ở Lâm Đồng

Tôi đề xuất tăng cường các gói hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và các tổ chức tài chính để giảm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp. Đồng thời đơn giản hóa quy trình vay vốn và giảm lãi suất cho các khoản vay đầu tư vào điện mặt trời mái nhà.

Ngoài ra cần cải thiện thủ tục pháp lý và quy trình phê duyệt, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục pháp lý và quy trình phê duyệt dự án điện mặt trời mái nhà. Xây dựng cơ chế “một cửa” để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc xin cấp phép và kết nối vào lưới điện.

Về chính sách giá điện, cần hợp lý và ổn định, tôi đề xuất duy trì và cập nhật cơ chế giá điện hỗ trợ (FiT) một cách ổn định và minh bạch để doanh nghiệp có thể lập kế hoạch đầu tư dài hạn, đề xuất cơ chế điều chỉnh giá điện định kỳ dựa trên chi phí đầu tư thực tế và tình hình thị trường.

Về kỹ thuật, cần các Bộ, ngành hỗ trợ xây dựng các khóa đào tạo chuyên sâu cho các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật về lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống điện mặt trời. Khuyến khích hợp tác công – tư, đề xuất các mô hình hợp tác công – tư (PPP) để tận dụng nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân cho phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp.

Với đối tượng sử dụng, cần có chương trình khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến. Tôi đề xuất các ưu đãi cho việc sử dụng công nghệ tiên tiến và hiệu quả cao trong hệ thống điện mặt trời mái nhà, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Về môi trường và xã hội, doanh nghiệp đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội khi phát triển các dự án ĐMTMN. Cần có hỗ trợ các chương trình tái sử dụng và tái chế thiết bị điện mặt trời khi hết vòng đời sử dụng. Với những đề xuất này tôi tin rằng có thể giúp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững cho thị trường điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam.

– Là đơn vị tổng thầu EPC trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông đánh giá như thế nào về thị trường điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong thời gian tới và những kỳ vọng của ông về cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam?

Tôi đánh giá thị trường điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu ở Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng năng lượng sạch và bền vững đang gia tăng, không chỉ từ các doanh nghiệp mà còn từ các hộ gia đình và tổ chức công cộng. Lợi ích sử dụng năng lượng xanh quá rõ ràng, việc giảm chi phí điện năng và tăng tính tự chủ về năng lượng là yếu tố hấp dẫn cho việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về điều kiện tự nhiên với nhiều giờ nắng trong năm, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam và miền Trung.

Bên cạnh đó, hiện nay công nghệ sản xuất và chi phí và lắp đặt hệ thống điện mặt trời ngày càng tiên tiến, giúp giảm chi phí và tăng hiệu suất sử dụng cho doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt chi phí lắp đặt đã giảm đáng kể trong những năm qua, làm cho việc đầu tư vào điện mặt trời mái nhà trở nên khả thi hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các cam kết về giảm phát thải, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cơ chế giá điện hỗ trợ (FiT) và các ưu đãi về thuế.

Với những kỳ vọng và chính sách hỗ trợ phù hợp, tôi tin rằng thị trường điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi