Monday, August 12, 2024

Quy định mới về dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại trường ĐH, phổ thông

Sau 10 năm thực hiện quy định về dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại quyết định từ năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nghị định mới trình Chính phủ.

Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Thu hút sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam

Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo nghị định này do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức xây dựng, sẽ khắc phục những hạn chế và phát huy các ưu điểm của Quyết định số 72 năm 2014 và các văn bản có liên quan, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc là thành viên.

Quy định mới về dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại trường ĐH, phổ thông

Trường ĐH được dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài ở chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

H.S

Mục đích ban hành nghị định này là thúc đẩy việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và người dạy, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, giúp các cơ sở giáo dục thu hút sinh viên nước ngoài vào học tập tại Việt Nam, nâng cao công tác biên soạn giáo trình, học liệu bằng tiếng nước ngoài…

Nghị định được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.

Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, các trường có thể được dạy và học một số môn học, hoạt động giáo dục hoặc một số nội dung của một số môn học, hoạt động giáo dục bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên đối với các môn học thuộc các lĩnh vực toán học, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.

Đối với giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài.

Chương trình, tài liệu sử dụng để dạy và học bằng tiếng nước ngoài không được có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các trình độ đào tạo.

Yêu cầu năng lực ngoại ngữ của nhà giáo

Giáo viên dạy môn học bằng tiếng nước ngoài ở bậc THCS phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, bậc THPT phải có tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Giảng viên tại các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ không thấp hơn trình độ bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Những người được đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ trong trường hợp ngoại ngữ đó là ngôn ngữ giảng dạy ở các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.

Người học tham gia chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài theo tinh thần tự nguyện và có khả năng theo học môn học được dạy và ngoại ngữ. Việc kiểm tra đầu vào đối với người học do cơ sở giáo dục thực hiện và được mô tả trong đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài có thể được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.

Đối với giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ đối với tất cả các môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi