Monday, August 12, 2024

Thực thi tác quyền với tác phẩm văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh

Hiện nhiều nhạc sĩ đã được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN bảo vệ quyền lợi, trong khi các lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh… vẫn còn là khoảng trống.

Nói về việc bảo vệ quyền tác giả trong xã hội VN thời đại kỷ nguyên số tại Hội thảo quốc gia thường niên “Bản quyền và quyền sao chép tại VN trong bối cảnh hội nhập quốc tế” vừa tổ chức tại TP.HCM, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Quyền sao chép VN Nguyễn Thị Sánh nhận định “tác quyền và bảo vệ tác quyền là trụ cột của một xã hội tri thức, của nền kinh tế tri thức”. Bà Sánh cho biết không ít người tùy tiện lấy bài viết, công trình nghiên cứu trong các tuyển tập, toàn tập để làm các tập sách chuyên đề riêng trong sách văn học và y học mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc. Thậm chí, không ít lãnh đạo, đội ngũ trí thức, tác giả nhận thức về bản quyền còn rất mơ hồ.
Thực thi tác quyền với tác phẩm văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM Đoàn Hoài Trung bên bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên

Đ.T

PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, cũng cho rằng khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển thì tình trạng vi phạm bản quyền cực kỳ phổ biến. Theo ông, không riêng gì các tác phẩm văn học nghệ thuật mà tình trạng ăn cắp chất xám, xâm phạm bản quyền còn diễn ra phổ biến ở các luận văn thạc sĩ và tiến sĩ.

Nếu như trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều nhạc sĩ đã được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN bảo vệ quyền lợi, thì ở các lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh… tình trạng vi phạm bản quyền vẫn “hoành hành” và chưa có biện pháp hữu hiệu.

Thực trạng nạn đánh cắp bản quyền

Luật sư Phan Vũ Tuấn (Công ty Phan Law Vietnam) đưa ra những con số đáng quan tâm. Trong thị trường sách, các trường hợp vi phạm quyền sao chép vẫn diễn ra với quy mô lớn và phức tạp, rất khó khăn để xử lý triệt để. Nhà xuất bản Trẻ cho biết hiện nay hơn 300 đầu sách của đơn vị này đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho nhà xuất bản. Trên nền tảng số, việc vi phạm bản quyền sách dưới hình thức sách PDF, sách audio (sách nói) diễn ra phức tạp.

Đối với phim ảnh, theo số liệu của Phan Law Vietnam, từ tháng 1 – 5 năm nay, đã có 66.433 trường hợp vi phạm bản quyền đối với phim Việt của K+ trên các nền tảng số, đã xử lý được 46.684 trường hợp. Luật sư Tuấn nêu ví dụ cụ thể: phim Deadpool & Wolverine của Mỹ đang chiếu ở rạp nhưng trên mạng đã tràn lan bản phim lậu. Phim khởi chiếu tại VN từ 26.7, tính đến nay đạt hơn 77 tỉ đồng, như vậy chỉ thu khoảng 5 tỉ đồng/ngày – là một con số rất thấp với phim bom tấn.

Thực thi tác quyền với tác phẩm văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh

Phim bom tấn Deadpool & Wolverine hiện đang chiếu rạp Việt. Nếu làm tốt chuyện bản quyền, số lượt khán giả đến rạp sẽ tăng cao

GALAXY

“Vấn đề ở đây là ý thức người xâm phạm. Người dùng sẵn sàng bỏ tiền để mua công nghệ xâm phạm chứ ít chịu bỏ tiền mua bản quyền để xem phim”, luật sư Tuấn nhận định.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tình hình cũng không khá hơn. Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM Đoàn Hoài Trung cho biết việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những vi phạm ngày càng nhiều với hình thức đa dạng. Tình trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh diễn ra khá phổ biến, nhất là trên các trang mạng xã hội, website của doanh nghiệp…

“Có lần tôi gặp bậc đàn anh cùng nghề nhiếp ảnh tặng cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ảnh bìa là tấm ảnh của tôi chụp Đại tướng ở Điện Biên nhưng không đề tên tác giả. Tôi hỏi anh tấm ảnh này của em, anh lấy ở đâu vậy? Anh trả lời anh tìm trên mạng, thấy ảnh đẹp nên lấy dùng. Bây giờ mới biết ảnh của em”, ông Trung kể.

Ông Trung còn nêu trường hợp nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của mình mà không xin phép. Họ cho rằng “đã lên mạng là họ có quyền sử dụng”.

Bà Lê Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm pháp luật và tác quyền, công bố VN hiện là một trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới. Vi phạm, sao chép bản quyền diễn ra muôn hình vạn trạng và ngày càng tinh vi với nhiều hình thức đánh cắp bản quyền trên môi trường số: mạo danh tác giả, phân phối xuất bản tác phẩm giả mạo hay không có sự đồng ý của tác giả, tự ý làm tác phẩm phái sinh, sử dụng tác phẩm mà không trả tác quyền cho chủ sở hữu….

Giải pháp bảo vệ tác quyền

Có nhiều đề xuất được đưa ra để từng bước giảm nạn đánh cắp bản quyền, trong đó báo chí, truyền thông là kênh hữu hiệu để tuyên truyền việc tuân thủ tác quyền. Điều cần sớm thực hiện là chủ sở hữu tác phẩm nên ủy quyền cho đơn vị bảo vệ quyền sao chép để thực thi tác quyền. Bên cạnh đó là việc sử dụng công nghệ cao bằng hệ thống quản lý quyền sao chép trên nền tảng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Cộng đồng cùng chịu trách nhiệm dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, nâng mức phạt lên cao để đủ sức răn đe. Ngoài ra, quốc tế hóa liên thông với Tổ chức Quyền sao chép thế giới IFRRO (gồm 156 thành viên), liên kết với WIPO Connect (giải pháp công nghệ thông tin do WIPO phát triển và cung cấp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý tập thể bản quyền và các quyền liên quan) là những biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ông Đoàn Hoài Trung cho biết Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đang phối hợp với Hiệp hội Quyền sao chép VN cùng Trung tâm pháp luật và tác quyền để sớm đưa ra phần mềm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi