Wednesday, August 21, 2024

Nhà xưa ngày ấy – bây giờ: Nhà cổ của dòng họ nữ tướng Bùi Thị Xuân

Sống trong căn nhà cổ được tổ tiên truyền lại, gia đình ông Bùi Đắc Khả (73 tuổi, ở khối phố Phú Xuân, TT.Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) luôn tự hào và động viên nhau giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia tộc.

NHÀ CỔ ĐẸP NHẤT HUYỆN

Đôi bờ sông Kôn đoạn qua TT.Phú Phong có nhiều nhà cổ hàng trăm tuổi, nhưng nhà ông Bùi Đắc Khả được xem là căn nhà đẹp nhất H.Tây Sơn. Ngôi nhà này cách đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân chừng 500 m. Cổng ngõ, hàng rào và lối dẫn vào nhà bằng chè tàu, hàng cau quanh vườn cùng khoảng sân có nhiều chậu cảnh, ngôi nhà cổ… được bài trí hài hòa như bức tranh mộc mạc, yên bình của làng quê xưa.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Nhà cổ của dòng họ nữ tướng Bùi Thị Xuân

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Bùi Đắc Khả cất theo hình chữ “đinh”

Hoàng Trọng

Theo ông Khả, ngôi nhà cổ của gia đình xây dựng khi cụ tổ Bùi Đắc Dư (1869 – 1895) vừa tròn 20 tuổi. Ngôi nhà cất theo hình chữ “đinh” (Hán tự), kiểu nhà lá mái ở Bình Định ngày xưa, trong khuôn viên rộng 4.400 m2. Công năng sử dụng khoảng 700 m2, gồm: nhà chính (hướng nam) là nơi thờ cúng và nghỉ ngơi của đàn ông, nhà cầu là nhà nối với nhà chính cũng là nơi nghỉ ngơi của phụ nữ, nhà lẫm là kho chứa lúa và nhà bếp (bao gồm sân phơi bên trong) là nơi nấu nướng, chế biến nông sản.

“Khi xây dựng nhà, tổ tiên kêu 2 nhóm thợ, gồm một nhóm dựng nhà và một nhóm chạm trổ từ An Nhơn (TX.An Nhơn, Bình Định – PV) lên thực hiện suốt mấy năm mới xong. Trần nhà, cột kèo, xiên trính, trang, tẩm thờ… đều bằng gỗ tốt và được chạm trổ tinh xảo, ánh nước gỗ đen bóng loáng”, ông Khả nói đầy vẻ tự hào.

Hiện có 3 thế hệ, gồm 9 người gia đình ông Khả sinh sống trong ngôi nhà cổ. “Đến tôi là đời thứ 4 ở trong ngôi nhà cổ do cụ tổ Bùi Đắc Dư để lại. Gia đình chúng tôi vẫn giữ nguyên kiến trúc tổng thể, kết cấu ngôi nhà của tổ tiên ngày xưa. Cách đây 15 năm, nền gạch Bát Tràng bị mục, không giữ lại được nên gia đình phải thay bằng gạch men. Di sản ông bà để lại nên chúng tôi luôn trân trọng, giữ gìn và cảm thấy tự hào khi được sống trong căn nhà cổ này”, ông Khả nói.

Theo ông Khả, cụ tổ Bùi Đắc Dư có 3 người anh trai, đều xây nhà theo kiểu lá mái rất khang trang.Đến nay, 1 nhà đã bị sập, 3 nhà còn lại vẫn được con cháu sử dụng.

GIAI THOẠI BÙI GIA TRANG

Ông Bùi Đắc Khả cho biết bản gia phả đầu tiên của họ Bùi viết bằng chữ Hán, ghi chép đến đời thứ 5 thì dừng lại vì nhà Tây Sơn thất bại. Gia phả chỉ ghi vài dòng về năm sinh, năm mất, chức nghiệp, bản tính, mộ phần, vợ (hoặc chồng), con cái của các vị tổ họ Bùi nhưng có vài sự khác biệt so với sử sách.

Nhà xưa ngày ấy - bây giờ: Nhà cổ của dòng họ nữ tướng Bùi Thị Xuân

Ông Bùi Đắc Khả kể chuyện về dòng họ Bùi ở Tây Sơn

Hoàng Trọng

Theo gia phả, tam cao tổ họ Bùi là ông Bùi Văn Kim (1692 – 1763) có công khai khẩn ruộng vườn, quy dân lập ấp ở làng Bả Canh (nay thuộc P.Đập Đá, TX.An Nhơn). Ông Kim có 11 người con, trong đó con thứ 2 là ông Bùi Đắc Chí, thứ 3 Bùi Thị Nhạn, thứ 5 Bùi Đắc Tuyên, thứ 11 Bùi Văn Thọ… “Các vị tổ đời thứ 4 khai phá đất đai làng Xuân Hòa, H.Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là khối Phú Xuân, TT.Phú Phong), lập nên Bùi gia trang gồm 4 gia đình, sở hữu nhiều ruộng đất trù phú. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, nhiều người ở Bùi gia trang tham gia”, ông Khả kể.

Ông Bùi Đắc Chí sinh 3 người con là Bùi Đắc Văn, Bùi Thị Xuân, Bùi Đắc Nhất. Trong một lần đi công việc, ông Chí gặp lão hành khất và 2 đứa nhỏ bên vệ đường. Lão hành khất cầu xin ông Chí cứu lấy đứa nhỏ đang bị sốt. Nghĩ cho tiền mua thuốc chỉ cứu được đứa nhỏ nhất thời chứ không phải là cách lâu dài, ông Chí đưa 3 ông cháu về Bùi gia trang ở tạm, lo thuốc thang…

Một đêm, Bùi gia trang bị cướp bao vây. Khi cướp tràn vào, bất ngờ trong nhà họ Bùi có ông lão xông ra đánh tan. Ông Chí biết người ra tay nghĩa hiệp là ông lão được mình dẫn về nên hỏi thân thế. Biết không giấu được, ông lão nói mình là Ngô Mãnh, từng giữ chức đô thống của chúa Nguyễn. Do bị quyền thần Trương Phúc Loan vu tội thông đồng với chúa Trịnh nên ông Mãnh phải dẫn cháu nội Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân (cháu của một người bạn) chạy vào nam lánh nạn. Sợ ảnh hưởng đến Bùi gia trang, ông Mãnh xin dẫn 2 cháu đi nhưng ông Chí giữ lại, bảo đảm sẽ giấu kín thân phận và mời ông Mãnh dạy cho người con gái đam mê võ nghệ của mình là Bùi Thị Xuân.

Gia phả chép, bà Bùi Thị Xuân (1748 – 1802) và chồng là Trần Quang Diệu hạ sinh một người con gái là Trần Thị Cúc. Hai vợ chồng đều là những danh tướng của nhà Tây Sơn. Theo ông Khả, em trai bà Bùi Thị Xuân là ông Bùi Đắc Nhất (1751 – ?) cũng giữ chức quan to của triều Tây Sơn. Khi triều Nguyễn lên thay, ông Nhất trốn về làng Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn) giấu tên, ở ẩn. Ngày nay, con cháu trực hệ của ông Nhất vẫn sinh sống ở làng này.

Bà Bùi Thị Nhạn (1727 – 1803) là hoàng hậu của hoàng đế Quang Trung, sinh được 3 người con: Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh), Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh. Em trai bà Nhạn là Thái sư Bùi Đắc Tuyên của triều vua Cảnh Thịnh. Ông Bùi Đắc Tuyên có con trai là Bùi Đắc Trụ và con gái là Bùi Xuân Hoa, gả cho tướng quân Ngô Văn Sở.

Theo ông Khả, ông Bùi Văn Thọ không làm việc cho nhà Tây Sơn mà hành nghề đông y ở quê nhà. Triều Nguyễn lên thay nhà Tây Sơn, đất phong của bà Bùi Thị Xuân ở làng Xuân Hòa có trường võ, bãi tập vua, vườn dinh (nhà của người giàu có, quyền lực)… cùng nhiều gia sản của họ Bùi bị tịch thu, sung công. Năm đó (1802 – PV), con trai ông Thọ là ông Bùi Đắc Việt (1789 – 1832) mới 13 tuổi nên không bị xử tội. Ông Việt sau sinh ông Bùi Đắc Khoa, ông Khoa sinh ông Bùi Đắc Dư…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi