Sunday, August 18, 2024

Tranh luận về sự tồn tại của xét tuyển sớm

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc các trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển sớm.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Muốn điều chỉnh phương thức xét tuyển sớm, cần phải xem các phương thức này gây mất công bằng, gây bất tiện cụ thể chỗ nào. Cách đây một số năm, chính Bộ GD-ĐT đã nói các trường có sức hút với thí sinh (TS) thì phải có thêm cách tuyển chọn ngoài điểm thi tốt nghiệp. Trong khi gần đây, có những phát biểu của lãnh đạo Bộ muốn trường ĐH dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Có thể thấy Bộ đang không có đường hướng rõ ràng về cách thức xét tuyển ĐH”.
Tranh luận về sự tồn tại của xét tuyển sớm

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, một trong các phương thức nhiều trường ĐH đang sử dụng xét tuyển

NHẬT THỊNH

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng không cần bỏ các phương thức xét tuyển sớm. “Bộ cần đặt ra những quy định để trường ĐH tuyển được TS chất lượng và TS vẫn có những cơ hội tham gia xét tuyển cao nhất”, ông Nghĩa phân tích.

Theo chuyên gia tuyển sinh này, hiện nay hệ thống xét tuyển chung đang giúp việc tuyển sinh các trường ĐH diễn ra một cách trật tự, ổn định, tránh tình trạng xáo trộn trong xã hội. Nếu không dùng cách lọc ảo chung này, việc tuyển sinh ĐH sẽ là một bức tranh hỗn độn. Tuy nhiên, cách làm này hiện chỉ giúp các trường giảm ảo chứ không giúp tuyển đủ chỉ tiêu hay tuyển được TS chất lượng.

“Nếu bình tĩnh nhìn lại thì thấy bức tranh tuyển sinh hiện nay không đến nỗi quá căng thẳng để buộc phải có những thay đổi quá lớn. Chưa kể, để đưa ra những phương án điều chỉnh thì trước đó phải thực hiện đánh giá cụ thể các mặt của các phương thức”, tiến sĩ Nghĩa nêu.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng cần bỏ xét tuyển sớm dựa vào học bạ.

“Phương thức xét tuyển sớm dựa vào học bạ hiện nay được triển khai trong giai đoạn học sinh chưa kết thúc năm học, chưa tốt nghiệp THPT. Dù Bộ khuyến cáo nhưng có những trường ĐH khuyên TS đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1. Nếu thiếu thông tin có thể dẫn đến sự không công bằng cho TS trong việc lựa chọn ngành nghề yêu thích. Bên cạnh đó, việc trúng tuyển sớm có điều kiện khiến học sinh có tâm lý “buông” luôn kỳ thi tốt nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng học kỳ cuối bậc THPT”, PGS Phúc nói.

Đặc biệt, ông Phúc đặt vấn đề: “Không ít trường dành chỉ tiêu cho xét tuyển sớm với mong muốn tuyển càng nhiều càng tốt, và còn lại bao nhiêu sẽ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu trường xét tuyển sớm nhiều, chỉ tiêu cho kỳ thi tốt nghiệp giảm thì điểm chuẩn xét điểm kỳ thi chung bị đẩy lên rất cao, nhưng lại không phản ánh đúng bức tranh điểm chuẩn chung khi so sánh điểm của trường dành 50 – 70% chỉ tiêu với trường chỉ dành 10 – 20% chỉ tiêu cho cùng một phương thức”.

Tranh luận về sự tồn tại của xét tuyển sớm

Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu về phương thức xét tuyển của các trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, không nên thực hiện cách thức xét tuyển sớm như hiện nay, trừ những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ như tuyển thẳng.

“Quá trình xét tuyển nên bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nên đưa ra quy định tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu để các trường thực hiện. Việc một số trường ĐH sử dụng điểm học bạ các năm trước hoặc chỉ 1 – 2 học kỳ trong toàn bậc THPT để xét tuyển là không ổn”, tiến sĩ Nam nhận định.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi