Họ Quách ở làng Thuận Nghĩa (TT.Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) sở hữu 4 ngôi nhà trên 100 tuổi, vốn được dựng theo kiểu nhà lá mái, hình chữ Môn (Hán tự).
Làng Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, TT.Phú Phong) có khoảng chục ngôi nhà cổ trên trăm tuổi. Trong đó, nổi tiếng nhất là từ đường họ Quách, có tên gọi Tịnh Nương Đường. Ngoài ra, họ Quách còn có 3 căn nhà cổ khác gọi là Quách Thúc Đường, Quách Phổ Đường và Quách Trọng Đường.
Theo cụ Quách Văn Ri (86 tuổi, ở khối 4, TT.Phú Phong), Tịnh Nương Đường được xây dựng từ năm 1908 – 1911, do thất tổ Quách Nghĩa Viễn (1856 – 1919) thiết kế và tổ chức thi công. Hiện Tịnh Nương Đường là nơi thờ cúng tổ tiên họ Quách ở H.Tây Sơn, không có người ở, nhà của con cháu trong tộc ở xung quanh.
Tịnh Nương Đường rộng khoảng 500 m2, gồm: nhà chính, nhà khách và nhà lẫm (bao bọc khoảng sân rộng 240 m2), nhà sinh hoạt, nhà bếp. Toàn bộ kiến trúc được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 4.000 m2. Trong đó, nhà chính quay mặt về hướng nam, gồm 5 gian là nơi thờ cúng tổ tiên, có 2 hàng cột chính, kèo, trính bằng gỗ quý với nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, công phu. Án thờ, đèn, lư bằng đồng, bình bát bằng sứ, lọng, hoành phi và liễn chữ Hán… mang dáng vẻ cổ kính, tôn nghiêm.
Phía tây là nhà khách, quay mặt về hướng đông, là nơi tiếp khách và hội họp của người trong tộc. Phía đông là nhà lẫm, quay mặt về hướng tây, được dùng làm nơi chứa thóc lúa, nông sản, của cải, tài sản… Nối dài theo nhà chính, sát với nhà lẫm là nhà sinh hoạt, nơi nghỉ ngơi của gia đình và người làm. Sau cùng là nhà bếp, nơi nấu nướng và ăn uống.
Theo tư liệu của họ Quách, phần mái Tịnh Nương Đường có 2 lớp. Lớp trong sắp dày cây tròn bào thẳng, phủ kín lớp vỏ cây kiền kiền, bên ngoài trát đất pha rơm, có tác dụng cách nhiệt. Lớp trên cùng cách lớp trong 7 tấc (khoảng 0,7 m) là mái tranh.
Đến nay, Tịnh Nương Đường được tu sửa nhiều lần nhưng kiến trúc tổng thể của ngôi nhà vẫn giữ nguyên, trong lần tu sửa năm 1943 đã thay mái lá bằng mái ngói, xây vách bằng gạch…
Sau Tịnh Nương Đường, ông Quách Nghĩa Viễn tiếp tục xây dựng thêm 3 ngôi nhà mái lá khác: Quách Thúc Đường (1913), Quách Phổ Đường (1915), Quách Trọng Đường (1917). 4 ngôi nhà trên có kiến trúc giống nhau, nhưng 3 ngôi nhà sau có diện tích nhỏ hơn Tịnh Nương Đường.
Giữ gìn truyền thống gia tộc
Theo cụ Quách Văn Ri, từ đường họ Quách có tên Tịnh Nương Đường là đặt theo tên vị tổ đời thứ nhất của gia tộc trên đất Bình Định Quách Tịnh Nương (1695 – 1767).
Năm 28 tuổi, ông Quách Tịnh Nương đến làng Kỳ Đáo (Cà Đáo), tổng Thời Hòa, H.Phù Ly, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa, H.Tây Sơn) lập nghiệp bằng nghề bán “cao đan hoàn tán”, rồi kết hôn với một người phụ nữ ở địa phương. Sau đó, vợ chồng ông Quách Tịnh Nương dời đến làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định) để mở tiệm buôn.
Đến đời tổ thứ 4 là ông Quách Hội Đồng (1781 – 1865) dời gia đình lên sinh sống ở làng Thuận Nghĩa (năm 1830), chuyển từ nghề buôn bán sang làm nông nghiệp. Làng Thuận Nghĩa được phù sa sông Kôn bồi đắp nên đất đai màu mỡ, nhà họ Quách trồng dâu, nuôi tằm thuận lợi, cơ ngơi ngày càng vững chắc. Bà Lê Thị Duệ (vợ ông Quách Hội Đồng) là người có công lớn trong việc phổ biến nghề nuôi tằm, ươm tơ ở làng Thuận Nghĩa. Đến đời lục tổ Quách Khanh Đạo (1833 – 1886), dòng họ Quách là một trong 4 gia tộc giàu có nhất Bình Định bấy giờ, có nhiều ruộng đất khắp nơi trong huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh…
Nhà thơ Quách Tấn (1910 – 1992) là cháu nội đời thứ 9 của gia tộc họ Quách. Ông cùng các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan hợp thành Bàn thành tứ hữu (4 người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn VN. Trong hồi ký Bóng ngày qua, Quách Tấn có nhắc đến các nhà thơ Nguyễn Đình, Yến Lan, Chế Lan Viên đón Tết Nguyên đán tại Bình Định năm 1943. Năm đó, Chế Lan Viên dạy học ở Đà Nẵng, Yến Lan dạy học ở Thanh Hóa, Quách Tấn và Nguyễn Đình ở Nha Trang hẹn gặp nhau tại cửa Đông thành Bình Định (TX.An Nhơn) vào ngày 30 tháng chạp rồi cùng nhau lên H.Bình Khê (nay là H.Tây Sơn). Sáng mùng 1 tết, Quách Tấn dẫn 3 người bạn đến thăm, chúc tết tại Tịnh Nương Đường, sau đó đến Quách Thúc Đường, Quách Phổ Đường, Quách Trọng Đường…
Theo cụ Quách Văn Ri, trong những năm kháng chiến chống Pháp, 4 căn nhà cổ của họ Quách dùng cho bộ đội trú ẩn, Tịnh Nương Đường còn làm kho chứa quân lương, vũ khí cho bộ đội.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa, cho biết con cháu họ Quách đang ở H.Tây Sơn có hơn 300 người, ngoài ra còn có nhiều gia đình sinh sống ở TP.HCM và các tỉnh thành khác. Hằng năm, con cháu họ Quách có nghĩa vụ đóng góp tiền xây dựng quỹ gia tộc để phục vụ các hoạt động cúng giỗ, hiếu hỉ, khuyến học… “Nhiều truyền thống tốt đẹp của tổ tiên luôn được con cháu họ Quách gìn giữ, phát huy”, ông Cầu nói. (còn tiếp)
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT tỉnh Bình Định), nhà lá mái Bình Định là loại nhà khá đặc biệt trong hệ thống nhà cổ dân gian truyền thống VN, duy nhất nhà cổ dân gian truyền thống Bình Định – nhà lá mái mới có cấu trúc nhà hai tầng mái, cả hai mái tranh/rạ và mái đất đều được chống đỡ bởi hệ thống kèo có độ dốc khá lớn, đặc biệt là độ dốc của mái trên (mái lá) lợp bằng tranh/rạ, mái dưới (mái đất) đắp bằng đất dày khoảng 15 – 25 cm.
Nhà lá mái Bình Định có phần nhỏ hơn nhà rường ở Huế và nhà cổ Nam bộ; đuôi mái nhà thấp, nhiều cột, không gian sinh hoạt trong nhà thiếu ánh sáng nhưng kết cấu khá vững chắc, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và chống cháy tốt.
Nguồn: thanhnien.vn