Sunday, August 18, 2024

Hết lòng vì dân: Quên thân cứu nạn nhân bị lũ cuốn

Nhìn sang gò đất giữa dòng sông A Vương ở huyện vùng cao Quảng Nam đang chảy xiết, bất giác không thấy nạn nhân đâu nữa, trong tích tắc một chiến sĩ công an không ngần ngại lao xuống khi còn chưa kịp buộc dây vào người…

TỪ “CÕI CHẾT” TRỞ VỀ

Chiều 3.7 vừa qua, Công an H.Tây Giang (Quảng Nam) nhận được tin báo của người dân, có một người đàn ông bị mắc kẹt giữa dòng sông A Vương, đoạn qua xã A Tiêng khi nước lũ đang chảy xiết. Ngay sau đó, Công an H.Tây Giang đã điều động cán bộ, chiến sĩ công an huyện và Công an xã A Tiêng tiếp cận hiện trường, đồng thời huy động máy xúc tại công trình gần đó để phối hợp với các lực lượng khác triển khai ứng cứu.

Hết lòng vì dân: Quên thân cứu nạn nhân bị lũ cuốn

Anh Cao Đình Phú bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ

NAM THỊNH

Thời điểm ấy, cơn mưa lớn vừa dứt, lũ quét đột ngột kéo về khiến nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn. Lúc này, anh Cao Đình Phú (34 tuổi, ở H.Núi Thành, Quảng Nam) đang di chuyển qua bờ bên kia thì bị kẹt lại ở gò đất giữa sông. Do nước lũ chảy xiết, địa hình hiểm trở, gò đất bị sạt lở nhanh nên gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ, nếu chậm trễ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.

Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, trung tá Nguyễn Ngọc Sỹ, Phó đội trưởng Đội tham mưu, và binh nhì Alăng Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ (thuộc Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an H.Tây Giang), đã lao xuống dòng lũ quét, kịp thời cứu anh Phú đang bị nước cuốn trôi, đưa vào bờ an toàn.

Hết lòng vì dân: Quên thân cứu nạn nhân bị lũ cuốn

Anh Phú được đưa vào bờ an toàn

NAM THỊNH

Anh Cao Đình Phú vẫn nhớ như in buổi chiều định mệnh 3.7, khi anh được các chiến sĩ công an kéo từ “cõi chết” trở về. Anh kể lúc đó anh cùng một số công nhân đang thi công bờ kè sông A Vương thì nghe cán bộ quản lý nói mưa lớn, chắc lũ sẽ về nên yêu cầu tất cả dọn dẹp đồ đạc để lên bờ. Vì tranh thủ lấy thêm chút đồ nên anh Phú đi sau đoàn. Khi đến giữa sông, nước từ phía thượng nguồn đã cuồn cuộn đổ về. Không còn cách nào khác, anh đành leo lên gò đất cao ở giữa sông để tránh lũ. “Chỗ tôi đứng cách bờ khoảng 200 m nhưng không tài nào qua nổi vì dòng nước chảy rất xiết. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ quét lớn, đổ về nhanh như vậy. Giờ nghĩ lại vẫn còn ám ảnh”, anh Phú nói.

Lúc anh Phú bị kẹt ở giữa sông thì mọi người trên bờ bắt đầu gọi điện thoại cho Công an H.Tây Giang nhờ hỗ trợ, ứng cứu. Ban đầu, anh Phú nghĩ gò đất cao nên nước sẽ không dâng đến chân mình. Nào ngờ, lũ mỗi lúc đổ về càng nhanh khiến gò đất sạt lở. “Ban đầu, tôi nghĩ chờ khi nước rút sẽ vào bờ sau, nhưng thật sự chưa bao gặp phải trường hợp như thế này. Lũ càng lúc càng dâng cao, chảy mạnh. Khi nước còn cách chân khoảng 20 cm thì tôi bắt đầu run và lo lắng. Một mình đứng giữa dòng lũ, tôi không suy nghĩ được gì. Lúc đó, tôi thấy khủng khiếp vô cùng”, anh Phú bàng hoàng nhớ lại.

Khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, anh Phú thấy bên kia gò đất có nhiều cán bộ công an cùng các phương tiện cứu hộ đã được huy động đến. Nhưng do dòng nước lũ chảy xiết, địa hình hiểm trở khiến nhiều phương án cứu nạn đưa ra bất thành. Không thể “cố thủ” thêm nữa, anh quyết định nhảy xuống sông bơi vào bờ. “Dù được các cán bộ công an trấn an tinh thần, giữ bình tĩnh, nhưng vì gò đất ngày một sạt lở nhanh nên tôi quyết định nhảy xuống sông để cố gắng bơi vào bờ. Bởi nếu không nhảy thì lũ cũng cuốn mình đi luôn, còn nhảy xuống thì mình sẽ chủ động hơn, khả năng sống sót cao hơn”, anh Phú kể lại.

Nghĩ là làm, nam công nhân liền nhảy xuống sông, cố gắng bơi thật nhanh về phía bờ. Song do nước chảy mạnh, khi bơi được hơn phân nửa đường thì anh đuối sức rồi chìm dần. Khi anh cố gắng trồi lên lần cuối thì nhìn thấy một chiến sĩ công an đã nhảy xuống, tiếp cận rồi kéo anh vào bờ. “Lúc đó, nếu không có sự dũng cảm của các chiến sĩ công an thì giờ tôi không còn trên đời này nữa. Phải nói là các anh ấy đã kéo tôi từ cõi chết trở về”, anh Phú cảm kích.

CHỈ SUY NGHĨ LÀM SAO ĐỂ KỊP CỨU NGƯỜI

Người bất chấp tính mạng của bản thân lao mình xuống dòng nước lũ chảy xiết để cứu sống anh Phú không ai khác chính là binh nhì Alăng Phúc. Alăng Phúc nhớ lại lúc nhận tin báo có người dân mắc kẹt giữa dòng nước lũ, trời đang mưa rất lớn, đường trơn trượt. Nhưng nghĩ đến việc cứu người, các cán bộ, chiến sĩ công an huyện tức tốc đến hiện trường.

Hết lòng vì dân: Quên thân cứu nạn nhân bị lũ cuốn

Binh nhì Alăng Phúc kể lại giây phút lao mình xuống dòng nước lũ cứu người

NAM THỊNH

Lúc đến nơi, lũ đã rất lớn, cuốn trôi nhiều cây cối và dâng sát gò đất mà nạn nhân đang đứng. Qua xem xét tình hình nơi hiện trường, phương án đầu tiên được đưa ra là cho một chiến sĩ mặc áo phao băng qua phía gò đất cứu người, nhưng lũ mạnh “ngăn” chiến sĩ ấy, đẩy dạt vào bờ. Nếu quăng dây qua cho nạn nhân thì không thể, bởi khoảng cách quá xa.

Ngay sau đó, binh nhì Alăng Phúc xin tình nguyện buộc dây, mặc áo phao để bơi qua sông. Nhưng khi đang chuẩn bị buộc dây thì nghe người dân la hét: “Nhảy rồi, nhảy rồi…”. Nhìn qua gò đất, lực lượng cứu hộ không còn thấy nạn nhân Phú đứng ở đó nữa. Không chút chần chừ, Alăng Phúc nhảy luôn xuống dòng lũ quét, bơi về phía anh Phú. “Khi bơi đến nơi, tôi thấy anh Phú đã đuối sức và bắt đầu chìm xuống. Tôi nắm tay anh Phú kéo lên, ở phía sau anh Sỹ cũng nhảy xuống ứng cứu. Mọi người quăng dây và kéo chúng tôi vào bờ an toàn”, chiến sĩ Alăng Phúc nhớ lại.

Binh nhì Alăng Phúc sống ở vùng sông nước nên biết bơi từ nhỏ, anh cũng mới tham gia nghĩa vụ được 6 tháng. Trước khi lao xuống dòng nước lũ chảy xiết, mọi ý nghĩ của anh chỉ dồn vào việc làm sao để kịp cứu, đưa nạn nhân vào bờ an toàn. “Đây là lần đầu tiên tôi làm nhiệm vụ nguy hiểm như vậy. Khi nhảy xuống cứu người, tôi cũng không hề nghĩ đến chuyện sẽ được khen thưởng hay trả ơn gì cả. Với một chiến sĩ công an, việc xả thân vì nhân dân là chuyện bình thường, đây là việc nên làm và phải làm!”, chàng binh nhì chia sẻ… (còn tiếp)

Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen

Trước hành động dũng cảm của 2 chiến sĩ, thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có thư khen gửi Công an H.Tây Giang. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định hành động lao xuống dòng nước lũ cứu người của cá nhân trung tá Nguyễn Ngọc Sỹ và binh nhì Alăng Phúc thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; sự dũng cảm, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xả thân để thực hiện nhiệm vụ khi nhân dân gặp nạn, thể hiện rõ tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”.

Thượng tướng Lương Tam Quang cũng đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam có các hình thức khen thưởng xứng đáng với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng phát huy tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh, trật tự…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi