Những video tư liệu lịch sử mà Viên Hồng Quang đưa lên TikTok sau phục chế có lượt xem lên tới hàng chục triệu.
“Nhân duyên” của Viên Hồng Quang, một người trẻ học ngành kỹ thuật nhưng yêu lịch sử và điện ảnh, với phục chế phim bắt đầu từ khi anh được xem đoạn phim tư liệu phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh của một nhà báo Pháp. Đoạn phim đó cũng đã nhuốm màu thời gian. “Tôi đã xem đoạn phim đó từ khi còn là học sinh. Lần đầu tiên xem tôi rất xúc động, vì không chỉ được nghe mà còn được biết phần nào ý chí của người ảnh hưởng lớn với lịch sử VN hiện đại”, Viên Hồng Quang nhớ lại.
Sau đó, khi Viên Hồng Quang bắt đầu phục chế phim, anh đã chọn đoạn phim được thực hiện năm 1966 kể trên. “Tôi bắt đầu phục chế phim từ tháng 5.2020, đó cũng là năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác. Thời gian đầu vừa làm vừa phải mày mò cũng mất thời gian. Khi được chia sẻ, chính tôi cũng sốc theo nghĩa tích cực, vì chỉ trong một ngày đưa lên mạng đã có hàng chục nghìn lượt thả tim. Tôi nghĩ đó là động lực lớn cho các đoạn phim sau này”, Quang cho biết.
Nhiều đoạn phỏng vấn khác, những mảnh ghép lịch sử khác cũng được Viên Hồng Quang phục chế màu rồi đưa lên mạng. Qua một trong những đoạn phỏng vấn như thế, người xem biết quan điểm của GS Tôn Thất Tùng về Hồ Chủ tịch. GS Tùng cho biết đôi mắt sáng và tư duy của Hồ Chủ tịch thu hút đến mức ông quyết định đi theo cách mạng. Ông cũng cho biết cách xưng hô của mình với Hồ Chủ tịch là gọi Cụ xưng con…
Hiện tại, những đoạn phim phục chế này đều đã được Viên Hồng Quang đưa lên kênh YouTube và TikTok của mình. Những đoạn phim như hình ảnh những ngày cuối cùng của Bác Hồ, phỏng vấn GS Tôn Thất Tùng, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phỏng vấn ông Trần Duy Hưng… đều có số lượt xem rất lớn, trên chục triệu, cho thấy sức hút của lịch sử, cũng như hình ảnh lịch sử. Cách thức giới thiệu lịch sử của Viên Hồng Quang cũng rất gần gũi với công chúng, anh gọi là “thường thức lịch sử”.
…Đến những bộ phim lớn
Sau khi phục chế những đoạn phim tư liệu lịch sử, Viên Hồng Quang nghĩ tới những tư liệu lịch sử có độ dài lớn hơn. Nhờ đó, anh cũng “chạm” tới hai tác phẩm điện ảnh có nhiều dấu ấn lịch sử. Đó là phim Vĩ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân của đạo diễn nổi tiếng Hà Lan Joris Ivens và Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy.
Với Vĩ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân, bộ phim là lớp lớp những cảnh quay quý giá: những lớp học dưới hầm ở Vĩnh Linh, hình ảnh lá cờ ở bờ Bắc Hiền Lương tung bay… Cũng có cả những âm thanh quý giá như tiếng trẻ đọc bài dưới địa đạo, âm thanh mà chính đạo diễn Ivens đánh giá: “Đoạn này không cần dịch ra tiếng Pháp. Bất kỳ một con người nào trên thế giới có chút lương tri đều sẽ hiểu”. Và 120 phút của bộ phim này đã được chuyển từ đen trắng sang phim màu, nhờ sự cố gắng của Viên Hồng Quang.
Bộ phim sau đó được chiếu ở “đất thép” Vĩnh Linh năm 2022. Buổi chiếu phim đó còn có cả giao lưu với những nhân chứng lịch sử liên quan tới tác phẩm. Đó là nữ đạo diễn Xuân Phượng, người đã bỏ vị trí cán bộ ngoại giao để dấn thân vào làm phim chiến tranh. Đó cũng là nhân vật trong phim – chú bé 9 tuổi Phạm Công Đức “tuy sợ ma nhưng không sợ giặc”…
Viên Hồng Quang cho biết để có bản màu đầu tiên cho phim Vĩ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân, anh mất 1 năm. Trong thời gian đó, anh làm việc mà cứ bị cuốn theo suy nghĩ hồn nhiên của Phạm Công Đức và sự cố gắng làm phim của bà Xuân Phượng. “Phạm Công Đức như một đại diện Vĩnh Linh nói với thế giới về mong muốn thống nhất, nói rất kiên cường, rất mạnh mẽ. Tôi xem lại phim từ đầu, hình ảnh chân thực đến nỗi khi xem các cô bé cậu bé nằm xuống vì bom, khi đấy tôi có suy nghĩ phải dựng lại phim này. Tôi cũng nghĩ phải cố làm khi bà Xuân Phượng còn sống. Đó là món quà của thế hệ sinh sau đẻ muộn tri ân thế hệ ngày ấy”, anh nhớ lại.
Lúc đó Viên Hồng Quang đầu tư máy móc tốt nhất có thể để theo mảng phục chế. Tới năm 2022, khi phim được chiếu tại chính địa điểm quay Vĩnh Linh, hội trường có hàng trăm người. “Phim kết thúc, cả hội trường vỗ tay, tôi thấy những giọt nước mắt của nhiều cô chú và cả bà Xuân Phượng. Nó là hạnh phúc, nó khiến tôi quên đi tất cả khó khăn trong quá trình làm phim”, Quang nói. Anh cũng cho biết phim hoàn thiện được cũng có sự giúp đỡ của bà Xuân Phượng, cũng như bản phim do Viện Phim tặng tỉnh Quảng Trị. Nhờ đó, anh làm lại bản đẹp nhất, đầy đủ nhất, với sự bổ sung của những cảnh khác nhau từ hai bản phim khác nhau.
Những dự án của Viên Hồng Quang thường được làm dưới dạng tự cố gắng, trong khi anh cũng không phải là người dư dả tiền bạc. Giờ đây, Quang đang tái tạo màu cho phim Hà Nội trong mắt ai. “Có những ngày cuộc sống dưới mức nghèo, chỉ sống qua ngày để phục chế phim. Nhưng tôi vẫn tin vào tương lai của việc phục chế phim tại VN”, Quang nói.
Nguồn: thanhnien.vn