Sunday, August 18, 2024

”Tắm rừng”, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Áp lực công việc cộng các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày đã trẻ hóa tình trạng căng thẳng và các bệnh lý về thần kinh. Cũng vì thế, trào lưu ‘tắm rừng’ trị liệu đang lan nhanh trên thế giới, và cũng đã đến Việt Nam.

Thật ra, “tắm rừng” không mới. Thuật ngữ “tắm rừng” (Shinrin-yoku) được Nhật Bản đưa ra năm 1982, là hoạt động kết nối với rừng thông qua năm giác quan của con người để mang lại sức khỏe. Các nghiên cứu về lợi ích của “tắm rừng” chứng minh được hiệu quả tích cực. Vì thế, trào lưu “tắm rừng” nở rộ từ Đông sang Tây, Á sang Âu, đặc biệt là ở Mỹ, Úc.
‘Tắm rừng’, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Buổi sáng giữa rừng

NGUYỄN THÁI HUÂN

Giảm hiệu quả căng thẳng và trầm cảm

Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong xã hội hiện đại, 75% dân số đều ở trạng thái trung gian giữa khỏe và bệnh, mức độ căng thẳng thần kinh ngày càng cao. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tắm rừng cải thiện đáng kể chức năng tim mạch, thần kinh nội tiết, trao đổi chất… dẫn đến sự phục hồi thể chất và tâm lý, giảm rõ rệt lo lắng và trầm cảm.

Jackie Kuang, Giám đốc Hiệp hội trị liệu rừng và thiên nhiên (ANFT) ở Úc cho biết liệu pháp “tắm rừng” có thể sử dụng cho các hoạt động nhóm trong công ty để kết nối đồng nghiệp, kết nối thiên nhiên và quan trọng là kết nối lại với chính mình sau các tổn thương. Ai cũng biết thiên nhiên tốt cho con người nhưng giữa biết và thực hành còn xa nhau quá.

Phil Stubbs (New South Wales, Úc) cũng từng ngồi gõ bàn phím cồng cộc 50 giờ một tuần, chiều chiều nhìn ra tòa văn phòng đối diện thấy hàng trăm người đang cúi mặt trước máy tính như những con rô bốt. Tìm cách thoát khỏi công nghệ và kết nối lại với thiên nhiên đã đưa anh đến với liệu pháp “tắm rừng”, rồi trở thành hướng dẫn viên được ANFT cấp chứng nhận.

“Mọi người đi dạo thường chỉ di chuyển từ A đến B chứ không tập trung cảm nhận bầu không khí thiên nhiên. Thật ra tôi có làm gì to tát đâu, tôi thường đứng yên ít nhất 10 phút khi đi dạo mỗi sáng trong rừng và chỉ đi bộ thôi mà”, Phil chia sẻ.

‘Tắm rừng’, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Tận hưởng thiên nhiên

NGUYỄN THÁI HUÂN

Cuốn sách Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật của bác sĩ Qing Li, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về y học rừng có viết, trong đất ở rừng có chứa một loại vi khuẩn tên Mycobacterium vaccae. Khi hít vào, vi khuẩn này hoạt động như thuốc chống trầm cảm, độ mềm của đất hòa lá cây khô khiến chân dễ thở hơn nhiều. Nhật Bản ghi nhận rằng một chuyến đi 3 ngày 2 đêm ở rừng sẽ làm tăng số lượng và hoạt động của các tế bào miễn dịch chống lại vi rút. Sau khi hoàn thành chuyến đi, tác dụng này vẫn duy trì khoảng một tháng.

Tắm rừng chỉ vì nỗi sợ bỏ lỡ?

Tại Việt Nam hầu như chưa có đơn vị hay hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ về “tắm rừng” trị liệu nhưng hoạt động tương tự thì không ít lựa chọn. Nhiều khu rừng quốc gia tại Việt Nam như Nam Cát Tiên, Bù Gia Mập, Cúc Phương… đã mở cung đi bộ, lội suối, cắm trại… để mọi người trải nghiệm một khía cạnh của phương pháp “tắm rừng”.

Trước khi trào lưu “tắm rừng” thịnh hành trên thế giới, từ hơn 20 năm trước, Nguyễn Thái Huân, 46 tuổi, làm nghề thiết kế đồ họa đã thường xuyên “tắm rừng”. Vài tuần anh lại rủ bạn bè cắm trại trong rừng Mã Đà (Đồng Nai), Bù Gia Mập (Bình Phước), Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bà Đen (Tây Ninh)…

‘Tắm rừng’, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Chương trình đi rừng thường được thiết kế có nhiều địa hình để người tham gia trải nghiệm từ đồi dốc đến suối đá

LAM YÊN

“Ở rừng, sáng sớm tôi được đánh thức bằng tiếng chim hót. Mắt tôi được phủ màu xanh cây cối thay vì những khối bê tông xám xịt. Da tôi được ngập trong gió mát, mũi tôi được hít thở không khí đẫm hơi rừng thay vì khét lẹt mùi khói bụi… Mỗi lần đi về, tôi như được sạc pin lại”, anh Huân chia sẻ.

Tuy vậy, nhiều người nghĩ, chỉ cần có mặt ở rừng là căng thẳng, mệt mỏi sẽ tan biến. Mới đây, chúng tôi quẩy ba lô tham gia một chương trình đi bộ khám phá rừng ở Bù Gia Mập (Bình Phước).

Đi một lúc, có lẽ do yên ắng buồn quá nên anh hướng dẫn viên mở cái loa di động thủ sẵn trong ba lô. Rừng đang yên tĩnh bỗng bị xé toạc bởi âm vang “cắt đôi nỗi sầu anh buông tay cắt đôi nỗi sầu”. Các bạn trẻ trong đoàn nghe nhạc cũng hào hứng lắc lư hát theo từ Vpop đến USUK sang Kpop, tưởng chừng như đang ở trong phòng tập văn nghệ chuẩn bị cho tiệc tổng kết cuối năm.

Họ có mặt giữa rừng, thay vì mở giác quan, cảm nhận mọi thanh âm và hương vị của rừng, họ xem chuyến vào rừng như một thử thách phải vượt qua. Trong ngày thứ hai của hành trình, cứ 30 phút hướng dẫn viên lại phải “động viên” cả đoàn rằng sắp ra khỏi rừng rồi, sắp đạt mục tiêu rồi, cố lên.

Họ mừng khi sắp về lại phố. Họ gồng mình để hoàn thành cho xong chặng đường. Về nhà, khỏe đâu không thấy mà ngược lại, “mệt quá, phải nghỉ ngơi mấy ngày mới hồi phục”, một thành viên trong đoàn than.

‘Tắm rừng’, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Thỉnh thoảng chan hòa với rừng, rời xa điện thoại, tiện nghi vài ngày cũng là một trải nghiệm thú vị

LAM YÊN

Không ít bạn trẻ thế hệ gen Z chọn trải nghiệm “tắm rừng” vì hiếu kỳ, tò mò xuất phát từ FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ). Họ chưa sẵn sàng cho việc ngắt kết nối với thế giới đầy xao động thường ngày. Họ đến với rừng bằng tâm thế thử cho bằng bạn bằng bè và phải có gì đó để cập nhật lên mạng xã hội.

Họ mua tour vào rừng nhưng đầu vẫn nghĩ về những tiện nghi máy lạnh, mạng xã hội. Vào rừng là để “chậm lại”, tách khỏi dòng thác thông tin, công việc cuồn cuộn chảy khiến tâm trí áp lực, căng thẳng nhưng dường như theo quán tính, họ vẫn cắm cúi vào chiếc điện thoại. Có lẽ họ chưa nhận ra cốt lõi của “tắm rừng trị liệu” là ngắt kết nối để kết nối sâu sắc hơn.

Vẫn có thể “tắm rừng trị liệu” ngay trong đô thị

Một hướng dẫn viên “tắm rừng” được đào tạo bài bản sẽ biết cách dẫn dắt, điều phối các hoạt động để những trải nghiệm kết nối với thiên nhiên trở nên có ý nghĩa.

Alyssa Benjamin, hướng dẫn viên “tắm rừng” chuyên nghiệp tại Los Angeles – Mỹ hướng dẫn nếu đi theo nhóm, mỗi thành viên nên dành khoảng 10 – 15 phút tự khám phá thiên nhiên theo ý thích. Sau đó cùng tập hợp lại và chia sẻ cảm nhận của mình.

‘Tắm rừng’, trào lưu chữa lành hay nỗi sợ bỏ lỡ?

Thác Khỉ ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) và nấm ly hồng lông thô (Cookeina tricholoma) nằm trong sách đỏ Việt Nam tại núi Bà Đen (Tây Ninh)

NGUYỄN THÁI HUÂN

“Người tắm rừng có thể thử đi chân đất trên cỏ, cảm nhận nước suối mát lạnh, nghe tiếng róc rách nước chảy, ngắm hoa văn trên vỏ cây và gân lá… Trong quá trình này nên tắt âm thanh các thiết bị điện tử để không ảnh hưởng đến tâm trí và các giác quan”, nhà văn kiêm hướng dẫn viên trị liệu rừng Dana Covit chia sẻ trải nghiệm của cô trên tạp chí Vogue.

Cạnh đó, chuyên gia tâm lý người Anh đang sống và làm việc tại Việt Nam, TS Hugh Will nói với Thanh Niên: “Khi vào rừng, việc đi bộ, vận động cơ thể là một kiểu tập thể dục (cách rất tốt để chữa trầm cảm), tầm mắt trải rộng hơn, thấy được thiên nhiên nhiều hơn sẽ làm dịu tâm trí hơn. Tuy nhiên, đừng quá áp lực chuyện ‘chữa lành’. Hãy xem đó là một cuộc dạo chơi, mở rộng các giác quan để tận hưởng thiên nhiên quanh mình”.

Một khu rừng trị liệu đúng nghĩa phải là rừng trưởng thành. Cây cối khi lớn sẽ tiết ra lượng tinh dầu phytocide cao hơn, con người hít tinh dầu này trực tiếp từ cây rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở các đô thị, các công viên cây xanh hay vườn bách thảo trong thành phố cũng có thể thành nơi thực hành tắm rừng.

Một nghiên cứu năm 2019 trên 20.000 người trưởng thành của Trung tâm Môi trường và sức khỏe con người châu Âu, Trường Y khoa Đại học Exeter (Anh) kết luận, chỉ cần ở trong môi trường thiên nhiên, không gian xanh ngay trong đô thị từ 2 tiếng trở lên mỗi tuần (có thể chia nhỏ thành nhiều lần) cũng đủ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi