Thời điểm này, hầu hết khối doanh nghiệp niêm yết đã công bố bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2024 và kết quả được xem là tích cực.
Những mảng màu sáng tối của kết quả kinh doanh quý II
Những màu quen thuộc với nhà đầu tư chứng khoán có thể kể đến là tím, xanh lá cây, vàng, đỏ và xanh da trời. Về tông màu chung là màu xanh lá cây, khi tổng lợi nhuận của khoảng 1.220 doanh nghiệp niêm yết tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 7% so với quý I/2024.
Đi sâu vào lớp nền bên dưới thì đóng góp nhiều nhất vào sắc màu tích cực chung là nhóm bán lẻ với mức tăng gần 395% so với cùng kỳ, đại diện tiêu biểu là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) kết thúc quý II/2024 với lãi ròng gần 1,2 ngàn tỷ đồng, cao gấp 67 lần cùng kỳ. Tiếp sau là nhóm vật liệu cơ bản với doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Phát (HPG) tăng trưởng lợi nhuận 127%.
Thế nhưng, một bức tranh chỉ được coi là hoàn thiện khi có cả vùng sáng lẫn vùng tối. Một số nhóm ngành chưa đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng, mang đến màu đỏ cho bức tranh kết quả kinh doanh quý II.
27/30 doanh nghiệp trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng cho thấy các doanh nghiệp đầu ngành đang có tốc độ phục hồi tốt theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, ngành bán lẻ tiêu dùng thước đo sức khỏe chi tiêu cho thấy sự trở lại ấn tượng, với các doanh nghiệp như Masan, Sabeco hay Vinamilk (VNM). Ông lớn ngành sữa đạt doanh thu kỷ lục trong quý II, nổi bật là mảng xuất khẩu tăng 37% so với cùng kỳ.
Bà Đỗ Minh Trang – Giám đốc Phân tích. Công ty Chứng khoán ACBS cho biết: “Ngành bán lẻ được hưởng lợi nhiều ở thị trường Việt Nam do quy mô dân số của chúng ta rất lớn. Chúng ta cũng là một nước đang trên đà phát triển, tốc độ đô thị hóa và gia tăng tỷ lệ tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhanh”.
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt chia sẻ: “Bán lẻ là nhóm có mức tăng trưởng rất mạnh dựa trên mức nền thấp, hay nhóm ngân hàng vẫn giữ được mức độ tăng trưởng lợi nhuận. Với những nhóm như vậy kết quả kinh doanh quý II tốt và tiếp tục có triển vọng của quý III và IV”.
Ở gam màu đỏ của bức tranh kết quả kinh doanh, dầu khí hay bất động sản là những nhóm ngành chưa đạt được kỳ vọng, khi lần lượt có lợi nhuận giảm 34% và 15% so với cùng kỳ. Chuyên gia đã có lý giải về việc giá bất động sản thời gian qua ở mức cao nhưng doanh nghiệp bất động sản trên sàn lại không có kết quả kinh doanh tốt.
Ông Vũ Duy Khánh – Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest nêu ý kiến: “Có rất nhiều đất nền, chung cư sốt nhưng lượng bán hàng của doanh nghiệp thực ra ngoài Vinhomes thì không có nhiều doanh nghiệp tăng được tốc độ bán hàng lên. Cần tách biệt thị trường bất động sản bên ngoài với các doanh nghiệp bất động sản trên sàn”.
Với mức giảm lợi nhuận 15% trong quý II năm nay, tỷ lệ suy giảm của ngành bất động sản đã chậm lại khi mức giảm là 29% trong quý I và 36% quý II năm ngoái. Điều này cho thấy ngành bất động sản cũng đang có những dấu hiệu cải thiện qua từng quý.
Kỳ vọng dòng tiền khối ngoại sớm trở lại
Trong nghệ thuật, có một thuật ngữ nổi tiếng là Wabi – Sabi – tức là chấp nhận về một vẻ đẹp không hoàn hảo. Trong một bức tranh khá đẹp với kết quả tăng trưởng lợi nhuận tốt, lại xuất hiện một mảng màu không mấy tích cực của khối ngoại khi trong quý II họ liên tiếp bán ròng. Tính chung nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng gần 49.0000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Dù vậy mảng màu cũng đang có những tín hiệu chuyển biến.
Trước tín hiệu hạ nhiệt của đồng USD và kỳ vọng FED giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến vào tháng 9, khối ngoại đã giảm tốc bán ròng đáng kể từ giữa tháng 7. Giá trị bán ròng chỉ còn 8,4 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE trong tháng vừa qua, thấp hơn 50% so với 2 tháng liền trước.
Gần 2,7 tỷ USD là quy mô bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 12 tháng gần nhất. Tuy nhiên, diễn biến này không nằm ngoài xu hướng chung khi vốn ngoại đã và đang bị rút ròng khá mạnh khỏi hàng loạt thị trường mới nổi và cận biên trên toàn cầu: Từ Brazil, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
Dòng tiền ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua chủ yếu là dòng tiền nóng, tiền đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng chỉ, các ETF. Theo số liệu từ Dragon Capital, nếu như trong 5 năm qua, có tổng cộng 7 tỷ USD bị rút ròng, thì quỹ này vẫn nhận được 1 tỷ USD vốn dài hạn mới. Do đó, lãnh đạo quỹ tin rằng sẽ sớm huy động được hàng trăm triệu USD vốn mới, điểm rơi có thể là cuối năm nay, đầu năm sau.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Đầu tư – Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho biết thêm: “Khi thị trường tiền tệ rẻ, cộng thêm nếu như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trở lại, hai yếu tố đó sẽ là một chất xúc tác cực lớn để doanh nghiệp có lợi nhuận cao, dẫn đến thị trường chứng khoán sẽ có những đột phá rất lớn”.
Ông Barry David Weisblatt – Giám đốc Phân tích – CTCK VnDirect nhận định: “Điều mà chúng tôi rất ấn tượng, đó là sản xuất, chế biến, chế tạo đã quay trở lại dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế. Kinh tế được dự báo tăng trưởng cao trong năm nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 18% trên nền lãi suất thấp. Tất cả những điều này làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán”.
Khả năng Việt Nam sẽ được nâng hạng tháng 9/2025 cũng là điều hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể hấp thụ dòng vốn ngoại, có thêm hàng hóa cũng là điều cần tính tới.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán – Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital đưa ra ý kiến: “Chúng ta cần có thêm nhiều IPO, đợt niêm yết lớn của các công ty lớn, những công ty có vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam chẳng hạn. Nếu các công ty đó được cổ phần hóa hoặc niêm yết mới thì sẽ là động lực rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam nhưng còn đang tìm một lý do thì họ có thể sẽ đến Việt Nam nhanh hơn”.
Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức gặp gỡ cộng đồng đầu tư tại Singapore. Tham dự sự kiện này cùng một loạt cuộc gặp với những quỹ đang quản lý từ vài trăm tới nghìn tỷ USD, VinaCapital, Dragon Capital, hay Lãnh đạo các công ty chứng khoán lớn như HSC cho biết, đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng đầu tư, đặc biệt là các quỹ từ châu Á.
Bước vào quý III, gam màu xanh đang nhường chỗ đôi chút cho màu đỏ khi xuất hiện các biến số mới về kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực về nội tại của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đã bị bỏ qua do nhà đầu tư đang bị yếu tố tâm lý chi phối.
Theo ước tính của SSI Research, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính một năm thấp hơn so với bình quân 5 năm, ở trạng thái hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Màu đỏ hay màu xanh da trời không phải lúc nào cũng xấu, nếu như chúng ta nhìn ra được vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo.
Nguồn: vtv.vn