VTV.vn – Uống 2-3 cốc cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch và ung thư. Nhưng không phải cốc cà phê nào cũng có tác dụng như nhau.
Nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất chống oxy hóa trong cốc cà phê của bạn thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào phương pháp pha chế và loại hạt cà phê bạn chọn.
Nguồn gốc và cách thức rang
Nghiên cứu cho thấy cà phê rang qua, rang vừa và rang kỹ cũng chứa các chất chống oxy hóa khác nhau. Cà phê rang qua có hàm lượng axit chlorogenic và chất chống oxy hóa cao nhất, điều này liên quan đến các lợi ích sức khỏe như giảm nguy cơ tiểu đường, ung thư và bệnh tim mạch.
Polyphenol là các chất chống oxy hóa chịu trách nhiệm cho hầu hết các lợi ích sức khỏe của cà phê, vì vậy hàm lượng polyphenol cao hơn có thể đồng nghĩa với một loại cà phê tốt cho sức khỏe hơn. Các loại cà phê trồng ở vùng cao thường có hàm lượng polyphenol cao hơn.
Nguồn gốc và cách pha chế của cà phê sẽ mang lại những tác dụng khác nhau (Ảnh: Eater)
Cà phê phin hay pha máy
Cà phê phin sử dụng trọng lực để cho nước nhỏ giọt xuống tạo ra hỗn hợp cà phê. Espresso sử dụng nước được nén và hạt cà phê xay mịn để tạo ra thức uống cô đặc và bổ dưỡng hơn.
Espresso mang lại nhiều lợi ích chống oxy hóa và tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, do hàm lượng caffeine cao hơn, nên tốt nhất là nên thưởng thức nó một cách vừa phải.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cà phê pha nóng có nồng độ chất chống oxy hóa cao hơn cà phê pha lạnh. Vì chất chống oxy hóa chịu trách nhiệm cho lợi ích sức khỏe của cà phê, từ đó cho thấy cà phê nóng có thể tốt hơn cho sức khỏe.
Theo các nhà nghiên cứu, độ pH của cà phê pha lạnh và cà phê pha nóng không có nhiều thay đổi nhưng cà phê pha lạnh có ít hợp chất axit hơn. Điều này có thể giải thích tại sao cà phê pha lạnh có xu hướng gây ra ít triệu chứng khó chịu về tiêu hóa hơn cà phê pha nóng, đặc biệt là nếu bạn bị trào ngược axit.
Thêm nhiều đường, sữa, kem béo vào cà phê sẽ có hại cho sức khỏe (Ảnh: Fox News)
Ngoài ra, hãy cân nhắc rằng những gì bạn thêm vào cà phê có thể làm thay đổi tác động của nó đến sức khỏe. Thường xuyên uống cà phê có đường có thể làm tăng tổng lượng đường bạn nạp vào cơ thể, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!