Bộ Công an đề xuất trừ 6 điểm giấy phép lái xe đối với hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi trên đường cao tốc. Nhiều ý kiến cho rằng mức trừ như vậy còn ‘quá nhẹ’.
Đề xuất trừ 6 điểm nếu đi ngược chiều trên cao tốc
Luật TTATGTĐB quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Điểm sẽ bị trừ khi người có GPLX vi phạm TTATGTĐB; số điểm trừ tương ứng với tính chất, mức độ của từng hành vi. Trường hợp bị trừ hết điểm, người có GPLX sẽ phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB do lực lượng CSGT tổ chức, nếu kết quả đạt thì GPLX được phục hồi điểm.
Để chi tiết nội dung trên, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Mức trừ điểm thấp nhất đối với một hành vi là 2 điểm, cao nhất 12 điểm – tức chỉ cần vi phạm 1 lần là bị trừ “hết sạch” điểm. Trong số này, hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc hoặc lùi xe trên đường cao tốc sẽ bị trừ 6 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất của cơ quan soạn thảo còn “quá nhẹ tay”. Bởi lẽ, Nghị định 100/2019 (đang có hiệu lực) quy định người điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc bị phạt tiền 16 – 18 triệu đồng và bị tước GPLX 5 – 7 tháng. Còn theo dự thảo, hành vi này vẫn bị xử phạt 16 – 18 triệu đồng nhưng tài xế vi phạm sẽ bị trừ 6 điểm thay vì ngay lập tức bị tước GPLX. Điều này có thể hiểu, nếu tài xế vi phạm đến lần thứ 2 thì GPLX của họ mới bị trừ hết điểm, phải kiểm tra kiến thức về TTATGTĐB.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, mức trừ 6 điểm là chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc. Bởi lẽ đây không phải hành vi diễn ra thường xuyên nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm rất cao, không chỉ cho người vi phạm mà còn với người tham gia giao thông khác. Phần lớn các tuyến cao tốc tại VN cho phép tốc độ tối đa là 100 km/giờ, có tuyến là 120 km/giờ. Tốc độ đó cộng thêm tốc độ của ô tô đi lùi hoặc đi ngược chiều sẽ vô cùng lớn, rất khó để tài xế có thể phản xạ, xử lý an toàn. Một khi va chạm xảy ra, hậu quả là khôn cùng.
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) dẫn quy định hiện hành về việc người điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc đi lùi trên cao tốc ngoài bị phạt tiền còn bị tước GPLX. Đôi khi tài xế e ngại bị tước GPLX hơn cả số tiền phạt cao, vì thế ý thức tham gia giao thông sẽ tốt hơn. Nay luật mới quy định biện pháp trừ điểm thay cho tước GPLX, tài xế dù vi phạm vẫn có thể tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu mức trừ điểm không tương xứng với tính chất vi phạm thì rất dễ dẫn tới tình trạng “nhờn luật”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương, nhận định hành vi đi xe ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc nguy hiểm không kém, thậm chí đôi khi còn nguy hiểm hơn cả vi phạm nồng độ cồn. Thế nhưng với vi phạm nồng độ cồn kịch khung, tài xế bị trừ 12 điểm; còn đi ngược chiều trên cao tốc thì chỉ bị trừ 6 điểm là chưa đủ răn đe. “Với tốc độ và mật độ phương tiện lưu thông cao như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn thảm khốc, thậm chí tai nạn liên hoàn, cần phải có giải pháp ngăn chặn…”, bà Nga nói.
Cần tăng mức trừ điểm
Nhằm tăng sự răn đe, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị nâng mức trừ điểm GPLX đối với hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc, có thể lên mức tối đa 12 điểm, tương tự với các hành vi về nồng độ cồn, ma túy…
“Cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, khi đào tạo và sát hạch GPLX tài xế cũng nhận thức được đây là vi phạm, nhưng vẫn cố tình thực hiện là thể hiện sự coi thường pháp luật và tính mạng người khác, cần xử lý nghiêm khắc”, ông Thanh nói, đồng thời kiến nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, xem xét những hành vi vi phạm có tính chất cố ý hoặc nguy hiểm tương tự thì cần quy định mức trừ điểm tương ứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhận định cần trừ nhiều điểm hơn đối với lỗi đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc, nhất là sau hàng loạt vụ việc đã xảy ra thời gian qua, theo bà thì “ít nhất phải trừ 10 điểm”. Theo bà Nga, mục tiêu của VN đến năm 2030 sẽ có 9.000 km đường cao tốc, đồng nghĩa giao thông cao tốc ngày càng phổ biến và quan trọng. Điều này đòi hỏi ý thức chuyên nghiệp, chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Để làm được, việc xây dựng hệ thống chế tài đủ sức răn đe là hết sức cần thiết.
Còn theo luật sư Hà Công Tâm, mấu chốt để quy định trừ điểm GPLX đạt hiệu quả là phải xây dựng một hệ thống “thang điểm” sao cho khoa học, minh bạch và thống nhất. Số điểm trừ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tương xứng với từng hành vi vi phạm, đảm bảo xử lý nghiêm khắc và là bài học để tuyên truyền, giáo dục cho các tài xế khác không tái diễn.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật và Hướng dẫn giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết việc xây dựng “thang trừ điểm” GPLX được Bộ Công an tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới. Số điểm bị trừ sẽ tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm có thể gây ra.
Hiện nay, trong số 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX, có 28 hành vi, nhóm hành vi chỉ cần vi phạm 1 lần sẽ bị trừ hết 12 điểm, gồm: vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất, lái xe khi cơ thể có chất ma túy, đua xe trái phép, chở quá trọng tải 150%… Đây đều là những lỗi có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông hoặc hủy hoại công trình giao thông.
Với các ý kiến cho rằng mức trừ điểm đối với một số hành vi còn “quá nhẹ tay”, nhất là điều khiển ô tô đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc, đại tá Nhật cho biết cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu và có sự điều chỉnh nếu thấy phù hợp. “Tinh thần là sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi cố ý vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao”, ông Nhật khẳng định.
Nguồn: thanhnien.vn