Tuesday, November 26, 2024

“Lá cờ tháng Tám” – Ca khúc gieo vào lòng người nghe cảm giác tự hào

Với tiết tấu nhanh, tác giả đã gieo vào lòng người nghe một không khí tưng bừng tràn đầy niềm tự hào: Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về một dân tộc anh hùng…

Nhạc sĩ Phan Thanh Nam sinh ngày 25/9/1930 tại Quy Nhơn, quê ở xã Bảo Thạch, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Năm 1945 trong tiếng súng kháng chiến chống Thực dân Pháp sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công ở Miền Nam, chàng trai Phan Thanh nam khi ấy 15 tuổi đã lên đường. Từ Nha Trang, Ninh Hòa anh lên An Khê làm liên lạc tuyên truyền cho một đơn vị chiến đấu ở Tây Nguyên. Cuối năm 1946 khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946 Phan Thanh Nam đang có mặt ở Huế rồi từ đó trở thành người công nhân quân giới ở một công xưởng sản xuất vũ khí của Liên khu 4.

Sống trong không khí lao động ấy, ông đã sáng tác ca khúc đầu tiên viết về người thợ “Bài ca người công nhân quân giới”. Năm 1947, Phan Thanh Nam gặp nhạc sĩ Lê Yên sau đó khi có dịp lên Việt Bắc (1950), anh gặp các nhạc sĩ Xuân Khoát, Văn Cao… được các nhạc sĩ động viên khuyến khích, cộng thêm vốn có giọng hát hay, lại đam mê âm nhạc nên Phan Thanh Nam quyết tâm đi vào con đường sáng tác. 

Ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1952 Phan Thanh Nam viết “Tình đồng bằng”; “Lúa về”; “Bài ca tăng gia”; tiếp đó là “Nông dân biết ơn Đảng”; “Vươn mình lên”; đặc biệt là bài hát “Lá cờ tháng Tám” viết năm 1953-1954 đánh dấu bước trưởng thành mới của nhạc sĩ Phan Thanh Nam.

Cũng chính những năm đó Phan Thanh Nam tham gia chiến dịch Trung Lào và tháng 10/1954 trong không khí hào hùng của Hà Nội giải phóng. Nhạc sĩ – Phóng viên Phan Thanh Nam đã cùng đồng đội tiến vào Thủ đô: vừa sáng tác vừa viết báo. Trong kháng chiến chống Pháp ông hoạt động văn nghệ ở Hội Văn nghệ liên khu 4. Thời kỳ tiếp theo của tiếp quản Thủ đô ông viết bài về văn hóa văn nghệ của báo Tin tức, sau đó làm biên tập chuyên mục Nghệ thuật của báo Nhân dân, Trưởng ban Nghệ thuật báo Văn Nghệ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc. Sáng tác chủ yếu của nhạc sĩ Phan Thanh Nam là ca khúc.

Những năm đầu hòa bình lập lại Phan Thanh Nam viết “Căm thù Mỹ Diệm”; “Tiếng vọng bờ Nam”; “Tôi muốn làm con chim bay”… Những ca khúc mang tình cảm nhớ thương quê hương Miền Nam và những suy nghĩ, trách nhiệm của người chiến sĩ – nghệ sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tháng 8/1964 Miền Bắc bước vào những ngày chống chiến tranh phá hoại, cùng các nhạc sĩ cất cao “Tiếng hát át tiếng bom” Phan Thanh Nam có các bài hát “Gửi anh giải phóng quân Miền Nam”; “Quyết không tha giặc Mỹ điên cuồng”; “Con sông quê hương”; “Hành quân mùa xuân”… rồi cùng niềm vui thắng lợi của Hiệp định Pari, bên cạnh bài hát “Tôi là người thợ lò”, Phan Thanh Nam viết “Trên đường vui hôm nay”, bài hát có âm hưởng của chủ đề ca khúc “Lá cờ tháng Tám”…

Nhạc sĩ Phan Thanh Nam đã xuất bản hai tuyển tập ca khúc “Lá cờ tháng Tám” và “Tuyển tập ca khúc Phan Thanh Nam”. Ngoài sáng tác, Phan Thanh nam còn viết tiểu luận, phê bình, giới thiệu, bình luận âm nhạc. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn hoạc Nghệ thuật năm 2007 và nhiều giải thưởng khác cùng nhiều Huân, Huy chương…

Năm 2000, tham gia chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo YCTG, bạn Hoàng Kim Anh ở thôn Đại Độ, xã Tiến Cường, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã gửi những cảm nhận của mình về bài hát “Lá cờ tháng Tám”: “Từ những tiêu đề của dòng âm nhạc cách mạng, các tác giả đã khắc họa, ghi lại những khoảnh khắc theo thời gian, lịch sử của đất nước. Một trong những tác phẩm thành công phải kể đến là bài hát “Lá cờ tháng Tám” của nhạc sĩ Phan Thanh Nam”.

Bạn Hoàng Kim Anh viết tiếp: “Những ngày mùa thu tháng Tám này đồng bào cả nước lại một lòng hướng về Thủ đô nơi có Quảng trường Ba Đình lịch sử vang lên lời tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam độc lập. Và câu hát: Tung bay là tung bay cờ đỏ sao vàng/Muôn sao tung không gian/Từ Việt Bắc xuống tận bưng biền… đã được nhạc sĩ Phan Thanh Nam mở đầu bài hát bằng một giai điệu sôi nổi rất tự nhiên hòa cùng dòng cảm xúc tràn ngập niềm lạc quan của tác giả khi đứng dưới lá cờ Đảng trong không gian bao la và hùng vĩ của Tổ quốc.

Với tiết tấu nhanh, tác giả đã gieo vào lòng người nghe một không khí tưng bừng tràn đầy niềm tự hào: Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về một dân tộc anh hùng… Lần đầu tiên lá quốc kỳ tung bay phấp phới dưới trời tự do trong nắng vàng tươi của ngày độc lập: Tung bay là tung bay/Muôn năm Hồ Chí Minh/Cờ vàng sao phấp phới chiến thắng/Cờ vàng sao quét sạch xâm lăng…”.

Tới đây bạn Hoàng Kim Anh nhận xét: “Tới đây ca từ thật gợi hình ảnh về một niềm vui hân hoan, niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp của Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cảm xúc của tác giả được thể hiện rất rõ trong từng nét giai điệu, ca từ khúc triết, giàu hình ảnh: Nắng Ba Đình rạng chiếu sáng ngời/Ấm giọng Cha già muôn nơi… Từ thời khắc thiêng liêng đó nền cộng hòa dân chủ của một nước Việt Nam mới đã khai sinh, và Quảng Trường Ba Đình đã trở thành một địa danh gắn liền với sự khởi đầu kỷ nguyên độc lập và tự do, chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam”. 

Vâng, người viết đã viết bằng trái tim và người hát cũng hát bằng cả trái tim – một tình yêu thiêng liêng và chân thành. Có thể nói bài ca lúc này không chỉ là những nốt nhạc, câu hát đơn thuần mà còn có một sức mạnh truyền cảm, gây xúc động mạnh mẽ tới người nghe. Cảm ơn nhạc sĩ Phan Thanh Nam đã ghi lại cho đời những khoảnh khắc bằng một giai điệu đẹp, như một ngọn lửa cháy mãi rực sáng trong trang vàng chói lọi của dân tộc. Những bài ca như thế sẽ mãi mãi lấp lánh, gây xúc động tới tâm khảm mỗi con người.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img